MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị trường “nóng” chuyện dưa, hành: “Tư lệnh” ngành nông nghiệp nói gì?

Sáng nay (11/6), kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII bước vào phiên chất vấn và trà lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đăng đàn đầu tiên.

Tại phiên chất vấn sáng nay, giải đáp thắc mắc của nhiều Đại biểu Quốc hội về vấn đề nông dân tiêu thụ nông sản phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trước tình hình này, Chính phủ đã có chỉ đạo, trong đó tập trung vào Bộ và cơ quan các cấp.

Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo rà soát, quy hoạch, hướng dẫn cho nông dân sản xuất những cây trồng, vật nuôi có khả năng cạnh tranh và tiêu thụ trên thị tường. Mặt khác, hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, vốn để nông dân có thể sản xuất sản phẩm với năng suất cao hơn và chi phí giá thành thấp hơn.

Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết và các đại biểu khác đặt vấn đề về hiệu quả của việc liên kết 4 nhà trong nông nghiệp chưa thành công.

"Thậm chí có chuyên gia cho rằng chủ trương này thất bại hoặc bị lãng quên. Giải pháp đột phá của Bộ trưởng là gì. Trong 4 nhà, nhà nào là nhạc trưởng?" - Đại biểu Tuyết nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chủ trương liên kết 4 nhà được đưa ra 10 năm nay. Trên thực tế, các lĩnh vực như chăn nuôi bò sữa, trồng mía đường… thì sự liên kết thực hiện phổ biến. Những lĩnh vực không nhất thiết cần sự liên kết với doanh nghiệp thì sự kết nối lỏng lẻo hơn.

Chính phủ đã ban hành Quyết định 62, theo đó khuyến khích liên kết mạnh mẽ hơn. Trong năm 2014 đã triển khai thực hiện với cây lúa ở ĐBSCL, theo đó có hơn 100 doanh nghiệp liên kết “bao” trên 100.00ha, nhưng chỉ hơn 40.000ha thành công, còn lại là bỏ cuộc.

Trả lời câu hỏi, ai là trụ cột trong 4 nhà, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, đó là doanh nghiệp.

Còn tại sao 4 nhà chưa liên kết thành công? Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, doanh nghiệp tiềm lực có thể liên kết và thực hiện liên kết không nhiều. Khi liên kết, cơ chế khâu trung gian gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân như tổ hợp tác, HTX còn yếu.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo sâu sát, những tiêu chí đưa ra như cánh đồng lớn, còn chưa cụ thể.

“Để phát huy hơn nữa hiệu quả liên kết 4 nhà trong thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, cần tiếp tục khuyến khích nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; có những điều kiện để phát triển mạnh mẽ các tổ hợp tác, HTX hỗ trợ nông dân trong mối liên kết này. Sự sâu sát hơn của chính quyền cũng là yếu tố rất quan trọng” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quay trở lại câu chuyện hành tím Sóc Trăng, dưa hấu Quảng Nam, Tư lệnh ngành nông nghiệp thẳng thắn chia sẻ, không phải mặt hàng nông sản nào của Việt Nam cũng như dưa hấu, hành tím. Chúng ta vẫn có những mặt hàng được giá như hồ tiêu, đồ gỗ…

Cụ thể, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, dưa hấu xuống giá là do khả năng thông quan thấp. Về hành tím của Sóc Trăng, theo Bộ trưởng, 72% hành tím của Sóc Trăng là xuất khẩu sang Indonesia. Từ cuối năm 2014, với chủ trương tự túc trong nước, Indonesia đã dừng nhập khẩu hành từ Việt Nam nên ảnh hưởng làm tồn đọng hành tím trong nước.

“Chúng tôi đã sang tận Indonesia làm việc để tháo gỡ khó khăn nhưng việc này cần phải có thời gian, vì đây là chính sách của cả một quốc gia” – Bộ trưởng chia sẻ.

 

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên