MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý lạm phát thấp

Lạm phát hạ nhiệt nhưng kinh tế không tăng trưởng cao hơn, doanh nghiệp càng thiếu động lực sản xuất, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua hàng giá đắt.

Cuộc hội thảo về giá do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 11/7 có sự tham gia của hầu hết các cơ quan điều hành, thống kê giá cả của Chính phủ cũng như giới khoa học. Trong bối cảnh lạm phát 6 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 2,52% hơn một chục dự báo được in trong kỷ yếu của hội thảo cho thấy gần như toàn bộ các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học, trong và ngoài nước đều cho rằng CPI năm nay của Việt Nam chắc chắn “một con số”. Dự báo phổ biến ở mức 6 - 7%.

Tuy vậy, đánh giá về lạm phát giảm nhanh tới mức vượt kỳ vọng thời gian qua (CPI tháng 6 lần đầu tiên âm sau 38 tháng), giới khoa học cũng như các cơ quan quản lý thống nhất nguyên nhân là suy giảm tổng cầu - nói nôm na là sức mua người dân, doanh nghiệp giảm sút chưa từng thấy trong vòng nhiều năm qua. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng sức mua kiệt quệ đóng góp tới 70% vào giảm lạm phát, bên cạnh những giải pháp vĩ mô và thuận lợi của thị trường thế giới.

So sánh với CPI trong lịch sử, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng lạm phát 6 tháng đầu năm nay có nhiều điểm tương đồng với 2009: CPI trung bình tháng khoảng 0,42% (năm 2009 là 0,44%) và tổng 6 tháng là 2,52% (so với 2,68%).

Nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng không thể so sánh như vậy. Điểm khác nhau cơ bản giữa 2 lần lạm phát thấp là, nếu như 2009 nguyên nhân chủ yếu là các tác động bên ngoài, thì giá cả sụt giảm trong 6 tháng đầu năm nay lại chủ yếu xuất phát từ sự trì trệ của kinh tế trong nước. Tác động trực tiếp nhất là sự xuống dốc của các thị trường quan trọng như bất động sản, hàng hóa. Tiền được Ngân hàng Nhà nước cung ứng nhiều nhưng không đi vào nền kinh tế.

“Trên 300.000 tỷ được đưa ra trong 6 tháng nhưng chủ yếu để mua ngoại tệ, trái phiếu, xử lý thanh khoản cho các ngân hàng…”, ông Phong dẫn chứng. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất vẫn còn cao khiến doanh nghiệp ngại vay, ngân hàng cũng ngại cho vay vì nợ xấu lớn.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Nguyễn Vinh Phú, chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào hiện nay tại ngân hàng vẫn là 6-8%, cao hơn nhiều so với lý thuyết 3-4%. Chính nghịch lý này khiến doanh nghiệp, hộ cá thể không có vốn để sản xuất - kinh doanh, còn người tiêu dùng, đặc biệt là những người nhận lương hưu, gửi tiết kiệm ngày một eo hẹp trong chi tiêu.

“Tồn kho do vậy tăng lên mức 30% cũng là điều dễ hiểu”, ông Phú nhận định.

Một chi tiết đáng lưu ý, theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh trì trệ như vậy, khả năng chịu thiệt đơn, thiệt kép của cả người sản xuất lẫn tiêu dùng đều tăng cao. “Một chục dừa mua của nông dân miền Nam chỉ 10.000 đồng, thế mà ra Hà Nội, người ta vẫn phải mua với giá 17.000 - 20.000 đồng một quả. Hay như một kg cá ngừ, ngư dân đánh lên là 300.000 đồng, nhưng tư thương ép xuống loại 3 thì giá không quá 120.000 đồng mỗi ký”, chuyên gia này dẫn chứng.

Đối với người tiêu dùng, bên cạnh nỗi lo phải mua đầu cuối giá cao, nguy cơ bị “móc túi” cũng không phải là nhỏ: “Một gói bim bim trước đây 380 gr, nhưng giờ họ chỉ đóng 370 gr. Hay một chai nước ngọt 25% đường, nay chỉ còn 22%. Như vậy giá cả có thể không tăng nhưng chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ thì đi xuống. Đó rõ ràng là nghịch lý”, ông Nguyễn Vinh Phú nhận định.

Theo các chuyên gia kinh tế, mâu thuẫn lớn nhất của cần giải quyết để thúc đẩy sản xuất ở thời điểm hiện tại là khơi thông nguồn vốn, giảm nhanh khoảng cách giữa lãi suất đầu vào với đầu ra. “Với doanh nghiệp, nhất thiết phải giảm được 3 gánh nặng là tài chính, lãi suất và thể chế. Trong đó lãi suất là 'tội đồ' lớn nhất”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định. Tuy vậy, chuyên gia này cũng như nhiều ý kiến khác đều cho rằng việc điều hành tiền tệ trong giai đoạn hiện nay vẫn cần đặt tiêu chí thận trọng lên hàng đầu, nhằm tránh tình trạng lạm phát khứ hồi trong những năm sau.

Ngoài ra, theo gợi ý của Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị - Nguyễn Vinh Phú, việc phát triển sản xuất cần đi đôi với cải thiện hệ thống phân phối, vốn là nguyên nhân chính dẫn tới thiệt thòi của cả người sản xuất lẫn tiêu dùng hiện nay. “Ngay cả trong việc bán hàng bình ổn giá, chống lạm phát vừa qua cũng mới chỉ ở phần ngọn, tại các siêu thị. Còn bình ổn giá thực chất phải là ở khâu sản xuất, cho người nông dân. Hiện cũng đã có địa phương bỏ kiểu bình ổn giá này vì cho rằng không hiệu quả, không giúp được những người khó khăn thực sự”, chuyên gia này cho biết.

Theo Nhật Minh

VnExpress

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên