MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ "vỡ quỹ"

Nguy cơ mất cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) là rất rõ ràng, nhưng việc lựa chọn phương án cải cách quỹ không hề đơn giản.

Chỉ một câu khái quát như vậy trong cuộc hội thảo chuyên ngành, đủ khiến cho hàng triệu con người bâng khuâng, lo lắng.

Thật ra, nguy cơ vỡ quỹ BHXH đã được cảnh báo từ lâu bởi những bất cập trong tổ chức triển khai, thực hiện và đặc biệt là cung cách quản lý. Tiếc rằng, trước những cảnh báo ấy, những người có trách nhiệm đã quá "mải mê" đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan mà "quên" soi sáng chỗ đứng của mình để có thể nhận ra những hạn chế cơ bản trong trách nhiệm điều hành, quản lý quỹ.

Thì đây, vì sao quỹ BHXH - một trong những trụ cột của an sinh xã hội - lại ra nông nỗi này? Vẫn là những lời "tửng tưng" từ BHXH Việt Nam: Tính tới tháng 7-2013 số nợ đọng BHXH tại 63 tỉnh, thành phố là hơn sáu nghìn tỷ đồng, chiếm gần 8% số phải thu trong năm 2013.

 Và cứ đà này, đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không bảo đảm khả năng chi trả...

Thực trạng vừa đáng cảm thông vừa quá đỗi khôi hài trên khiến cho chuyên gia C.Ga-li-an (Carlos Galian), đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã nhận định thẳng thừng rằng, nếu không có những điều chỉnh kịp thời và mạnh mẽ, quỹ BHXH Việt Nam có thể thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2034.

Và người ta lại bắt đầu "mổ xẻ" căn nguyên, trước hết là nhìn vào các địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp lớn, như: "TP Hồ Chí Minh, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH diễn biến phức tạp. Số nợ BHXH luôn chiếm trên 20% số nợ đọng của cả nước"; rồi Hà Nội: "Nhiều vụ kiện trốn đóng, chậm đóng BHXH cho người lao động trong doanh nghiệp không được xử lý do gặp nhiều vướng mắc.

Đặc biệt, ngay cả những bản án có hiệu lực pháp luật nhưng cũng không thi hành được". Nhìn rộng hơn, một số chuyên gia cho rằng, Luật BHXH khi triển khai cũng xuất hiện nhiều hạn chế cần được khắc phục như: Chưa quản lý được đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH còn khá phổ biến; một số quy định trong chế độ BHXH bộc lộ nhiều bất cập; quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia, thụ hưởng BHXH chưa dễ dàng, thuận tiện.

Bên cạnh đó, việc quản lý quỹ BHXH còn thiếu minh bạch, người dân rất khó nắm bắt, nên không có cơ sở để thực thi vai trò kiểm tra, giám sát.

Đây được coi là nguyên nhân chính khiến quỹ BHXH còn thất thoát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả hoạt động. Càng hiểu vì sao, có những chuyên gia đầu ngành phải thốt lên gay gắt: Cần siết lại các chế tài để bịt các lỗ hổng làm thất thoát quỹ! Cần thực hiện các biện pháp tức thời như minh bạch chi phí quản lý quỹ BHXH, phải thu được nợ đọng BHXH, đưa tội danh trốn đóng BHXH vào Bộ luật Hình sự giống như tội trốn thuế!...

Vẫn biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp khai báo tiền lương trả cho người lao động để làm căn cứ đóng BHXH thấp hơn nhiều so với thực tế, khiến quỹ giảm thu. Song cũng không thể không nói trắng ra rằng, tình trạng chiếm dụng quỹ BHXH của người lao động vẫn ngày càng tăng. Thực tế cho thấy, người lao động có lương là bị thu ngay tiền BHXH, nhưng tiền đó có khi bị đưa vào dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc các mục đích khác.

Cho nên, trong khi chờ đợi những điều chỉnh cần thiết từ chính cơ quan BHXH, các tổ chức công đoàn cần chủ động tham gia cùng các cơ quan chuyên môn giám sát việc doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động cũng như tăng cường giám sát, kiểm tra công tác điều hành, quản lý quỹ.

Muốn vậy, cần thiết lập quan hệ trực tiếp giữa người lao động với cơ quan BHXH, thay vì chỉ qua trung gian là chủ lao động như hiện nay.

Theo Hà Khoa

cucpth

Nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên