MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhà đầu tư lớn không thay đổi lập trường đối với Việt Nam”

Mặc biển Đông dậy sóng, hầu hết nhà đầu tư lớn nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào Việt Nam với dòng vốn FDI được đổ vào các dự án ngày càng lớn.

Sản xuất đang “nóng” lên

Từ tháng 12/2013, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng ngành sản xuất của Việt Nam được HSBC tính toán ở mức trên 50 điểm, thể hiện sự cải thiện về điều kiện kinh doanh của lĩnh vực này.

Sản lượng tốt và sức mua mạnh đã đáp ứng tốt cho việc nhà sản xuất giảm giá bán và cầu bên ngoài cải thiện. Trong tháng 6/2014, tăng trưởng xuất khẩu đạt mức hai con số, dù tốc độ có giảm.

Do hoạt động xuất khẩu tại Việt Nam hiện vẫn dựa chủ yếu vào các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nên cần thêm thời gian để xem xét những căng thẳng địa lý – chính trị với Trung Quốc có ảnh hưởng gì tới triển vọng của ngành này không?

Sản xuất và dịch vụ gia tăng đã thúc đẩy GDP tăng 5,5% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 4, 8% của quý I.

Những căng thẳng với Trung Quốc chỉ tác động hạn chế đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, trong đó các ngành như du lịch chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc có giảm đi nhưng trong vài tháng tới sẽ trở lại bình thường.

Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng 26,1%, chúng ta có kỳ vọng mức này sẽ còn tăng thêm và kích thích ngành bán lẻ phát triển.

Vấn đề lâu dài của Việt Nam là tổ chức chuỗi cung ứng. Hiện nay nhiều ngành xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài như dệt may, da giày, và điện tử.

Việt Nam vẫn đang trong quá trình thảo luận Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nếu TPP khép lại thành công, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất nhưng lại gặp phải Quy định về xuất xứ buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong nhóm TPP.

HSBC cho rằng, những vấn đề phải giải quyết để TPP được ký kết và những căng thẳng tạm thời với Trung Quốc có thể thúc đẩy tốc độ tái cấu trúc.

“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ ổn định với vài đợt tăng tạm thời vào đầu quý III và Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất ở mức 5%”, báo cáo của HSBC nhận định.

Các nhà quan sát sẽ tiếp tục dõi theo kết quả của Hiệp định thương mại tự do với Châu Âu (EU – FTA) và TPP, bên cạnh đó là việc tái cấu trúc các công ty nhà nước và khối ngân hàng.

Theo “lệnh” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đến năm 2015 sẽ phải thực hiện xong việc cổ phần hoá 432 công ty nhà nước.

Tuy nhiên, “hàng loạt quy định mới được triển khai để hỗ trợ quá trình thực hiện cổ phần hoá nhưng điều mà mọi người đang đánh giá xem những nỗ lực trên có đủ tạo ra động lực thúc đẩy tái cấu trúc thực sự?”, HSBC tỏ ra băn khoăn.

Niềm tin nhà đầu tư trở lại

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục ổn định, cho thấy các nhà đầu tư chính vẫn không thay đổi lập trường đối với Việt Nam.

Các nhà đầu tư chính tại Việt Nam gồm có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và Mỹ.

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2014, trên bảng xếp hạng vốn FDI vào Việt Nam, các quốc gia kể trên cũng lần lượt chiếm các vị trí đầu bảng.

Theo đó, đứng đầu là Hàn Quốc với hơn 1,55 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp đến là Hồng Kông với hơn 1 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ 3 với hơn 800 triệu USD, Singapore với 53 lượt dự án, tổng vốn đăng ký hơn 732 triệu USD.

Tính lũy kế đến thời điểm 20/6/2014, các vị trí trong nhóm đầu trên bảng xếp hạng vốn FDI vào Việt Nam cũng không hề thay đổi với những cái tên kể trên.

Cụ thể, sau hơn 25 năm thu hút FDI, Nhật Bản đang là quốc gia có đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam với hơn 35,7 tỷ USD vốn đăng ký.

Hàn Quốc thứ hai với hơn 31,2 tỷ USD, tiếp đến là Singapore hơn 30,5 tỷ USD và Đài Loan với hơn 27,6 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý nữa, Việt Nam hiện đang được đón không ít tên tuổi lớn trên thế giới đổ mạnh vốn để đầu tư vào các dự án hàng tỷ USD. Các thương hiệu lớn nhất thế giới đang dần xuất hiện như Samsung, Intel, Nokia, Honda, Canon...

Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho thấy rõ, cộng đồng nhà đầu tư ngoại đang thể hiện sự quan tâm đặc việt do sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam đang tăng lên.

Thậm chí, có ý kiến còn miêu tả, Việt Nam đang trở thành “điểm nóng” đầu tư khu vực châu Á trong lựa chọn của nhiều nhà đầu tư ngoại.

Cũng theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, hiện Việt Nam đã có khoảng 415 tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) đăng ký đầu tư vào.

Trong đó, có 106 TNC thuộc “Top 500” tập đoàn lớn nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí Fortune. Tình hình đầu tư của các TNC tại Việt Nam hiện nay tiếp tục tăng trưởng vượt bậc.

Thống kê số liệu cho thấy, tính đến năm 2013, Việt Nam đã thu hút được gần 16.000 lượt dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt hơn 234 tỷ USD, vốn thực hiện hơn 112 tỷ USD.

Đặc biệt, theo thông tin từ ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam có khoảng 500 dự án của các TNC với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên tới khoảng 140 tỷ USD.

>>>Các “siêu công ty” nước ngoài đang tạo nên “trục đầu tư” mới ở Việt Nam

Theo Vũ Minh

cucpth

Bizlive

Trở lên trên