MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận lương "khủng" sai là tham nhũng

Đó là ý kiến của TS. Bùi Sỹ Lợi -Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh câu chuyện “lương khủng” xảy ra tại 4 doanh nghiệp công ích trên địa bàn TP.HCM bị phát giác mới đây.

Theo ông Lợi, vụ này cần phải xử lý nghiêm chứ không chỉ đình chỉ công tác, nộp lại tiền là xong.

Nếu thực sự tài giỏi thì phải gắn với hiệu quả kinh doanh

Theo ông, nguyên nhân vì sao, khi mà đời sống kinh tế của người dân nói chung còn nhiều khó khăn thì lại có những sếp nhận lương tiền tỷ như 8 trường hợp là giám đốc, chủ tịch các doanh nghiệp công ích trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vừa bị phát giác? Họ có thực sự tài giỏi để nhận sự đãi ngộ như vậy?

Trong câu chuyện “lương khủng” xảy ra tại 4 doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh, có thể thấy cách thức quản lý và cơ chế chi trả tiền lương của các đơn vị này có vấn đề. Trước hết có thể là tham nhũng do hạch toán không đúng tiền lương, lấy từ các chi phí vật chất hoặc trong giá dịch vụ sang để chi trả lương.

Sau đó là bóc lột người lao động, thông qua việc cắt giảm các khoản tiền lương của người lao động trực tiếp. Về khách quan, có thể nói đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng không sát sao, dẫn đến tình trạng làm tùy tiện mà rất nhiều năm không phát hiện ra.
"Không chỉ phải thu hồi mà phải xử lý theo đúng quy định; nếu từ tiền lương của người lao động thì phải được bù lại cho họ còn do khấu trừ vào chi phí vật chất hoặc giá dịch vụ thì phải hoàn trả cho ngân sách và cả hai hình thức này đều là hành vi tham nhũng cần phải xử lý theo pháp luật".
TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đây là lỗ hổng trong quản lý phải xem xét một cách nghiêm túc. Các cơ quan chức năng phải xem xét lại việc xây dựng ban hành và áp dụng hệ thống thang, bảng lương, định mức lao động, đơn giá tiền lương của tất cả các công ty, doanh nghiệp Nhà nước.

Mức thu nhập phải gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nếu gắn với hiệu quả thì mức thu nhập đến bao nhiêu là phù hợp, vấn đề này pháp luật đã quy định. Vì vậy, mức lương khủng như các doanh nghiệp trả cho ông chủ là hoàn toàn vi phạm pháp luật.

Nếu có thật sự tài giỏi thì phải thể hiện qua hiệu quả sản xuất kinh doanh nhưng thu nhập cũng không thể “khủng” đến mức quá xa với quy định Nhà nước và điều đáng buồn là cao gấp nhiều chục lần so với người lao động trực tiếp.

Lâu nay, rất nhiều vụ việc sau khi bị phát giác thì người phạm lỗi chỉ… nộp lại tiền, thế là xong. Nhưng trong câu chuyện “lương khủng” được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua, dư luận đang quan tâm xem cách xử lý tiếp theo như thế nào, bởi không chỉ có mỗi việc buộc nộp lại khoản lương khủng lẽ ra không được hưởng là xong. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi khẳng định, đây là vi phạm pháp luật. Vì vậy, không chỉ phải thu hồi mà phải xử lý theo đúng quy định; nếu từ tiền lương của người lao động thì phải được bù lại cho họ còn do khấu trừ vào chi phí vật chất hoặc giá dịch vụ thì phải hoàn trả cho ngân sách và cả hai hình thức này đều là hành vi tham nhũng cần phải xử lý theo pháp luật. Biện pháp xử lý của TP Hồ Chí Minh là kịp thời và đúng luật.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân để xử lý đúng người, đúng tội

Theo ông, quyết định tạm đình chỉ các sếp lương khủng để kiểm điểm trách nhiệm, với tinh thần xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội đã được đưa ra đúng lúc, kịp thời? Và liệu lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cần phải có những động thái gì khác để đáp ứng mong mỏi của dư luận?

Tạm đình chỉ các sếp lương khủng chỉ là tạm thời để tiếp tục kiểm tra làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, theo tôi phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể để xử lý đúng người đúng tội và phải coi đây là bài học cho các đơn vị khác. Và là bài học đắt giá cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thông qua vấn đề này, tôi cho rằng cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật của nhà nước để sửa đổi kịp thời và sớm khắc phục lỗ hổng về cơ chế chính sách như: Hệ thống thang, bảng lương; định mức lao động; đơn giá tiền lương và giao đơn giá tiền lương cho các doanh nghiệp Nhà nước; cơ chế trả lương; hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Ông có cho rằng, đây là một hình thức tham nhũng qua lương? Và đâu là giải pháp để tránh tái diễn tình trạng này ở những doanh nghiệp khác, địa phương khác trong thời gian tới? Những kẽ hở trong pháp luật, các quy định và sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước phải được khắc phục như thế nào?

Đây chính là một hình thức tham nhũng qua lương tại 4 doanh nghiệp công ích trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo quy định hiện hành quỹ lương thưởng của người lao động sẽ được tính dựa trên đơn giá tiền lương và khối lượng công việc do Nhà nước đặt hàng các đơn vị này. Quỹ tiền lương cũng được xây dựng dựa trên định mức lao động của người lao động. Nếu năng suất lao động cao thì tiền lương của người lao động cao.

Do đó, quỹ tiền lương, của các lãnh đạo DN phải tách bạch hẳn khỏi quỹ lương thưởng của người lao động.

Những lãnh đạo này được trả lương gắn với lợi nhuận của DN. Hàng năm, DN xây dựng kế hoạch và đưa ra mức lợi nhuận kế hoạch của mình để trình cơ quan quản lý. Mức lương của các lãnh đạo DN được trả theo lợi nhuận kế hoạch. Trong trường hợp DN đó đạt được lợi nhuận cao hơn kế hoạch thì quỹ lương của các lãnh đạo DN được tăng theo một tỷ lệ nhất định, nhưng không quá tỷ lệ tăng lương của quỹ lương người lao động.

Các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt đơn giá tiền lương phải thẩm tra, phê duyệt sớm và hướng dẫn để các đơn vị thực hiện, đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý kịp thời. Về chính sách cần sớm nghiên cứu sửa đổi những cơ chế, chính sách bất hợp lý; đồng thời tăng cường phân cấp cụ thể và từng bước giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị.

Phải phát huy cơ chế dân chủ, công khai minh bạch, đối thoại tại nơi làm việc để người lao động cùng tham gia quản lý, phân phối quỹ lương theo đúng tinh thần Bộ luật Lao động năm 2012.

Cảm ơn ông!

Theo Minh Thành

cucpth

Báo giao thông vận tải

Trở lên trên