MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập siêu của doanh nghiệp FDI: Cần tách bạch số liệu tính toán

Lâu nay, luôn có những phàn nàn về việc khu vực doanh nghiệp FDI nhập siêu quá lớn. Tuy nhiên, nhìn nhận sẽ khác đi nếu số liệu được tính toán đầy đủ và rõ ràng.

Chuyện nhập siêu của doanh nghiệp FDI không phải là điều gì mới mẻ. Số liệu thống kê cho thấy, 5 năm qua, thành tích xuất siêu của khối doanh nghiệp này là nhờ vào xuất khẩu dầu thô, bởi nếu không tính dầu thô, các doanh nghiệp FDI lại nhập siêu liên tục (xem bảng dưới).

Tháng trước, khi họp giao ban về tình hình xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đã lên tiếng cảnh báo về chuyện nhập siêu của doanh nghiệp FDI. Tháng này, câu chuyện chắc chắn không khác, bởi con số nhập siêu của khối doanh nghiệp FDI sau nửa đầu năm đã lên tới 1,83 tỷ USD, chiếm 27% tổng nhập siêu của cả nước.

Dư luận lâu nay đã quá quen với việc "kết tội" nhập siêu quá lớn cho doanh nghiệp FDI. Nhưng điều đáng nói là, cách đây ít ngày, khi tham dự Hội nghị giao ban tình hình sản xuất - kinh doanh tháng 6 và 6 tháng đầu năm, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đã lên tiếng "đòi" sự công bằng cho các doanh nghiệp FDI.

Theo ông Nội, khi thống kê về tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI, nếu đã loại trừ phần xuất khẩu của dầu thô trong tổng kim ngạch xuất khẩu, thì cũng phải tách cả phần nhập khẩu của khối doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh dầu thô. "Có vậy mới đảm bảo công bằng và cho ra được một con số chính xác về tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI", ông Nội nói.

Một đề xuất rất xác đáng! Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng thừa nhận điều này.

Quả thực, sau đề xuất của ông Nội, nhìn lại các bảng biểu thống kê mới thấy, xưa nay, chưa hề có chuyện tách bạch phần nhập khẩu của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh dầu thô. Có thể, khi có được con số này, doanh nghiệp FDI vẫn chưa chắc được "giải oan" về chuyện nhập siêu quá lớn, song rõ ràng, cần có sự tách bạch, giúp dư luận có được một cái nhìn khách quan và chính xác về xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI.

Tuy vậy, trong khi chờ có được những số liệu tách bạch cần thiết để "giải oan" cho doanh nghiệp FDI, vẫn có thể nhìn vào số liệu thống kê trong hiện tại để có được những góc nhìn khác về vấn đề nhập siêu của doanh nghiệp FDI. Đó là xu hướng nhập siêu ngày càng lớn của khối doanh nghiệp này trong thời gian gần đây. Nếu như cả năm 2006, loại trừ dầu thô, doanh nghiệp FDI mới nhập siêu 1,87 tỷ USD, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, mức nhập siêu đã xấp xỉ con số đó. Tất nhiên, còn phải tính tới yếu tố tăng giá, song rõ ràng, doanh nghiệp FDI nhập khẩu rất lớn và mức nhập siêu là khá cao.

"Cần phải làm rõ xem việc nhập khẩu này có nhằm phục vụ sản xuất và tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế hay không?", Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đã nói.

Trong khi đó, rất thẳng thắn, ông Vũ Đình Ánh đã đề cập việc nhập khẩu tăng có thể do doanh nghiệp FDI chuyển từ sản xuất sang thương mại. Đó là một thực tế mà dư luận gần đây đã cảnh báo nhiều.

Trên một khía cạnh khác, cũng phải thấy rằng, việc nhập khẩu lớn của khối doanh nghiệp FDI nói riêng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung là khó tránh, khi ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển. Để phục vụ sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu, một lượng lớn nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phải nhập khẩu. Nhập khẩu lớn không chỉ ảnh hưởng tới cán cân thương mại và cán cân thanh toán của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Khi sản xuất trong nước chủ yếu là gia công, với giá trị gia tăng thấp, thì khó có thể nói tới chuyện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hay nâng cao năng lực cạnh tranh…

Rõ ràng, còn rất nhiều điều cần phải bàn về chuyện xuất siêu hay nhập siêu của doanh nghiệp FDI. Cần phải tìm hiểu cặn kẽ về căn nguyên nhập siêu của khối doanh nghiệp này để có câu trở lời chính xác về những đóng góp của họ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như có biện pháp giải quyết thỏa đáng

Theo Hà Nguyễn

Báo Đầu Tư

duclm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên