MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản: Đầu tư vào Việt Nam nhưng không phải bằng mọi giá!

Đại diện của Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, lý do làm tăng bất ổn kinh tế của Việt Nam là tình trạng thâm hụt thương mại liên tục.

Khẳng định Việt Nam đang là một địa điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản, song phía Nhật Bản vẫn nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia và Myanmar.

Tại buổi hội thảo quốc tế về “Thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế” tổ chức sáng nay (22/3), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki khẳng định, điều người Nhật thực sự cần và cân nhắc khi vào đầu tư không chỉ là yếu tố hạ tầng mà quan trọng hơn là sự ổn định của nền kinh tế.

Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện tốt hơn việc kiềm chế được lạm phát và trong dài hạn cần làm tăng đồng nội tệ.

Đại diện của Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, lý do làm tăng bất ổn kinh tế của Việt Nam là tình trạng thâm hụt thương mại liên tục. Mà đáng lưu ý là việc nhập khẩu linh kiện các nước rồi gia công, lắp ráp khiến giá trị gia tăng không cao. Do vậy, bài toán cho các nhà điều hành Việt Nam là phải làm sao phát triển và chủ động được các linh phụ kiện.

Ông cũng cho biết, mặc dù có nhiều khu công nghiệp song các khu công nghiệp này của Việt Nam lại có nhiều điểm không phù hợp với nhà đầu tư Nhật Bản.

“Các bạn có khu công nghiệp và mời chúng tôi vào. Nhưng không đơn thuần là như vậy. Trên thực tế, các doanh nghiệp khi quyết định gia nhập vào các khu công nghiệp sẽ cân nhắc nhiều hơn về những điều kiện sản xuất, kinh doanh tại đó”, ông Yasuaki Tanizaki nói.

Theo nhận định của ông Motonori, trưởng đại diện JICA tại Việt Nam thì từ sau 2015, khi thực hiện tự do hóa thương mại ở ASEAN thì Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ với các nước trong khu vực. Như vậy, không còn cách nào khác Việt Nam phải tăng cường mảng công nghiệp hỗ trợ.

Tham gia phần tham luận, GS Kenichi Ohno, Giám đốc Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF) nhận xét, mặc dù tăng trưởng cao trong những năm gần đây, song chất lượng tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa đủ để hoàn thành công cuộc Công nghiệp hóa và hiện đại hóa đến năm 2020.

Ông nói, sự phát triển của các nước khác, mà đáng lưu ý là Myanmar có thể sẽ làm giảm đi tính cạnh tranh của Việt Nam. Khả năng mà Myanmar đuổi kịp Việt Nam là vô cùng lớn – theo ông Kenichi.

Ngoài ra, Campuchia, Philippines và Ấn Độ cũng đang xây dựng những khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trong khi đó, năng lực chính sách và sự cạnh tranh thương mại của Việt Nam vẫn chưa đạt được mức mà Thái Lan và Malaysia đang có. Vì vậy, rủi ro FDI rút khỏi Việt Nam là không hề nhỏ và cạnh tranh để thu hút vốn với các nước lân cận ngày càng gay gắt, khó khăn hơn.


Việt Nam đang ngày càng đối mặt nhiều hơn với cạnh tranh của các nước trong khu vực (ảnh minh họa).

Lát đường vào công nghiệp Việt Nam

Hiện tại, doanh nghiệp Nhật đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khi phát triển trong nước. Các vấn đề liên quan tới già hóa dân số và khả năng tiếp tục kinh doanh của doanh nghiệp chế tạo vừa và nhỏ, áp lực trong việc cắt giảm chi phí, đồng Yên tăng giá, rủi ro gián đoạn của chuỗi cung ứng như động đất, lũ lụt… đang là những yếu tố bất lợi, cản trở các doanh nghiệp nước này.

Trước đây, Chính phủ Nhật và các tổ chức liên quan không sẵn lòng hỗ trợ việc đầu tư ra nước ngoài do lo ngại mất cơ sở công nghiệp. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây thì chính sách nước này đã chuyển hướng sang hỗ trợ tích cực.

Ông Motonori cho biết, hiện JICA vẫn đang hoàn thiện những vấn đề về cơ sở hạ tầng như điện lực, giao thông; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực…

Riêng về hỗ trợ thể chế thì phía Nhật đã phối hợp với bộ Kế hoạch và Đầu tư cử chuyên gia sang Bộ để tư vấn chính sách cho Việt Nam. Chẳng hạn, đưa cán bộ của Nhật vào cố vấn tại Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Phát triển doanh nghiệp…

Ngoài ra, thông qua Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC), nước này cũng đang thực hiện đào tạo đội ngũ doanh nhân cho Việt Nam bên cạnh tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương, tạo tiền đề cho những dự án sắp triển khai.

Ở hoạt động cung cấp tín dụng, tài chính thì Nhật Bản đã có kênh Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý mà phía Nhật Bản nhấn mạnh là họ không chỉ thuần túy hỗ trợ tín dụng mà còn có chức năng tư vấn.

Dù có sự chuẩn bị kỹ càng như vậy, song như ông Kenichi đề cập, vấn đề rất lớn của Việt Nam hiện nay, ngoài trình độ lao động thì thiếu điện đang ngày càng trở thành một “nút thắt” trầm trọng. “Nếu như thiếu điện thì không thể nào mà kêu gọi được nhà đầu tư ngoài vào Việt Nam được” – ông khẳng định.

Vì vậy, trong dài hạn, phát triển nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân và tìm kiếm năng lượng mới dựa trên một kế hoạch tổng thể cộng với sự hỗ trợ quốc tế là không thể thiếu.

Trong ngắn hạn, ông Kenichi đề xuất, nguồn cung điện ổn định nên được ưu tiên cho các khu công nghiệp. Và “nếu như cam kết được là trong các khu công nghiệp sẽ không bao giờ bị cắt điện thì mới tạo được lòng tin cho nhà đầu tư”.

Nói cho cùng, kể cả có sự qua lại thường xuyên giữa các cấp lãnh đạo ở hai Chính phủ thì “các nhà đầu tư mới là người đưa ra quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư chứ không phải Chính phủ Nhật Bản”.

Theo Bích Diệp

Dân trí

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên