MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật tránh Trung Quốc: Chọn và giúp Việt Nam sửa khuyết điểm!

Nhà đầu tư Nhật Bản định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam thay vì chỉ dừng lại ở việc gia công, lắp ráp.

TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết mong muốn của các nhà đầu tư Nhật Bản khi mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với chúng tôi.

Cũng theo TS Phan Hữu Thắng hiện các nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng quan tâm tới việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam, cũng như việc giảm đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc là tín hiệu tốt cho việc thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Cùng với sự hợp tác từ phía Nhật Bản, Việt Nam cũng đang ngày càng cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hiệu quả hơn để không chỉ thu hút đầu tư từ Nhật Bản mà còn tạo ra sự thu hút đầu tư từ các đối tác nước ngoài khác.

Cơ hội lớn của Việt Nam

PV: - Tại một cuộc tiếp xúc mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đưa ra thông tin 30% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu. Ông bình luận như thế nào về thông tin này?

Đáng chú ý, mới đây, trong một cuộc hội thảo về môi trường đầu tư ở Việt Nam, các chuyên gia đã chỉ ra rất nhiều điểm hạn chế: chính sách thiếu đồng bộ, tham nhũng, thuế cao… Vậy theo ông, điểm nào trong môi trường đầu tư ở Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản tới đầu tư?

TS Phan Hữu Thắng: - Từ nhiều năm nay Nhật Bản vẫn giữ vai trò đầu tàu trong đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam; đặc biệt luôn đứng đầu hàng năm về số vốn thực hiện. Theo số liệu thống kê đến cuối tháng 6/2014 Nhật Bản có 2.313 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là trên 35,7 tỷ USD đứng đầu trong tổng số 101 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam sau đó đến Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, British Virgin Islands, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan…

Nhật Bản luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam coi Việt Nam là đối tác quan trọng, điều này được biểu hiện cụ thể thông qua nhiều hoạt động hợp tác giữa hai nước về kinh tế và văn hóa, đặc biệt việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng nhiệm kì của ông hiện nay, cho thấy sự đặc biệt quan tâm của chính ngài Thủ tướng và Chính phủ Nhật Bản đối với Việt Nam.

Tháng 3/2014 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sang thăm chính thức Nhật Bản, hai bên trao đổi, mong muốn kim ngạch thương mại 2 nước đạt 50 tỷ USD vào năm 2020. Cũng trong chuyến thăm này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản đã tổ chức tọa đàm về chính sách quan hệ Nhật - Việt với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế, công nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Các tập đoàn đều bày tỏ nguyện vọng thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đưa ra thông tin 30% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu,đồng thời theo khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, cho thấy nhà đầu tư Nhật Bản cũng rất quan tâm đến việc hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, đây cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản.

Hiện Nhật Bản và Việt Nam đang tiếp tục triển khai Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản với mục tiêu của Nhật Bản đưa ra là hỗ trợ Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam để thu hút được nhiều hơn đầu tư từ các nước, không chỉ riêng Nhật Bản.

Sáng kiến chung Nhật Bản đưa ra có lộ trình cụ thể, chi tiết và bài bản, được thực hiện từ năm 2003 theo đề xuất của đồng hai Thủ tướng hai nước thời gian đó cho đến nay. Hiện sáng kiến này đã bước sang giai đoạn thứ V, đang được hai bên tích cực tiếp tục triển khai.

Qua một số hội thảo gần đây về môi trường đầu tư Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung vẫn có những ý kiến đánh giá, chỉ ra mặt yếu hiện nay tại Việt Nam như chính sách thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính phiền hà…

Đối với các nhận xét này, phía các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cũng đã nhận ra, như việc gần đây Thủ tướng chính phủ yêu cầu phải rút thời gian thông quan hàng hóa xuống còn trên 170 giờ, bằng với mức của nhiều nước Asean trong khu vực, cũng như đòi hỏi ngành Thuế rút ngắn thời gian đối với các thủ tục về thuế…

Để thu hút đầu tư từ Nhật Bản, bên cạnh việc phải cải thiện thủ tục hành chính như vừa nêu, rõ ràng Việt Nam phải có hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo giữa các bộ luật với nhau, giữa việc ban hành và thi hành luật, từ Luật đến Nghị định, Thông tư phải thống nhất, cụ thể, chính xác…

Để đáp ứng những điều này, Việt Nam đang sửa đổi Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp theo hướng thông thoáng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Nghị quyết 103/NP – CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong giai đoạn tới được ban hành sau hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đã nêu rất rõ các việc cần làm ngay trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư.

PV: - Luồng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đến trong bối cảnh vốn đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2014 đã sụt giảm đến 42.2%. Liệu Việt Nam có phải là lựa chọn thay thế Trung Quốc của các nhà đầu tư Nhật Bản hay không? Theo ông, nếu vào Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ phải thay đổi chiến lược đầu tư thế nào và vì sao?

TS Phan Hữu Thắng: - Việc đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc có những vấn đề phát sinh và các nhà đầu tư Nhật Bản tại Trung Quốc có xu hướng giảm đầu tư của mình tại quốc gia này là một thực tế đang xảy ra.

Trong bối cảnh đó, mặc dù không có cơ sở khẳng định rõ Việt Nam là lựa chọn thay thế Trung Quốc của các nhà đầu tư Nhật Bản, song nhìn vào khu vực ASEAN, Việt Nam cũng là một trong những điểm đến mà các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt hướng tới.

Các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư, bởi những nước phát triển như Nhật Bản đã có những chính sách đối ngoại hết sức ổn định, có định hướng, chiến lược rõ ràng. Tất nhiên trong quá trình thực hiện chiến lược chung của họ sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, nhưng cơ bản không thay đổi nhiều.

Không riêng Nhật Bản, mà nhiều nước khác đều có những định hướng chiến lược xác định hướng đầu tư cho các doanh nghiệp nước họ đầu tư ra bên ngoài, phù hợp với đường lối đối ngoại, quan hệ quốc tế của họ. Còn các nhà đầu tư, sẽ đầu tư theo định hướng của chính phủ và bao giờ cũng lựa chọn những môi trường đầu tư tốt nhất bao gồm sự ổn định chính trị, xã hội, chính sách đầu tư rõ ràng, thông thoáng, cởi mở phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo ra hiệu quả kinh tế cao nhất cho nhà đầu tư.

Nhật khắc phục khiếm khuyết cho Việt Nam?

PV: - Theo thông tin từ các tỉnh, doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư về nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Khả năng đáp ứng của Việt Nam (công nghệ, nhân công…) trong hai lĩnh vực này như thế nào? Liệu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội sự đầu tư này mà từng bước thúc đẩy sự phát triển các ngành này ở Việt Nam hay không hay vẫn là phương thức truyền thông gia công để xuất khẩu?

TS Phan Hữu Thắng: - Trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản đã nhận thấy những khiếm khuyết của Việt Nam nên đã đưa ra chương trình Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản không những đi sâu vào từng ngõ ngách quy định pháp lý và thủ tục hành chính giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, mà còn rất quan tâm đến việc phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản cũng chia sẻ rằng, quan tâm nhiều nhất của họ là tăng cường công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam, Chủ tịch Jetro đã từng khẳng định Nhật Bản không chỉ dừng lại ở việc lắp ráp mà sẽ giúp Việt Nam chuyển giao công nghệ, sản xuất linh kiện, phát triển công nghiệp phụ trợ.

Tại Thanh Hóa, Nhật Bản đang đặt vấn đề mở rộng đầu tư nông nghiệp sạch
Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam sẽ tạo cơ hội để Việt Nam quen dần với công nghệ, quy trình và chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, thoát dần lối tư duy ngắn hạn, chọn dễ, ăn xổi ở thì

Tại diễn đàn doanh nghiệp giữa kì năm 2014 vào tháng 6/2014 vừa qua, đây là chủ đề đã được các nhà đầu tư Nhật Bản nhắc lại. Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), ông Yoshihisa Maruta đã nhắc tới tỉ lệ nội địa hóa khoảng 32,2% của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Thái Lan: 53%, Malaysia: 42%,..) cho thấy các hãng chế tạo Nhật Bản phải bỏ chi phí cao hơn khi lựa chọn Việt Nam, tuy vậy vẫn có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản có khả năng cạnh tranh cao mà Việt Nam có thể thu hút để đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ.

Tuy nhiên, Việt Nam cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi với sự hỗ trợ sát sao của Nhà nước để thu hút các doanh nghiệp này, vì họ thường có nguồn lực quản lý hạn chế về tài chính, nhân lực…

Thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một đòi hỏi cấp thiết và là một nhiệm vụ quan trọng, bởi ngoài vốn và thị trường, đầu tư nước ngoài còn có công nghệ cao để phát triển nông nghiệp mà Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng trong giai đoạnhội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế việt Nam vào kinh tế thế giới hiện nay.

Đáng tiếc là tỉ lệ FDI đầu tư vào nông nghiệp trong tổng vốn đầu tư hàng năm ngày càng thấp hơn, từ khoảng dưới 15% những năm đầu xuống còn 1 ÷2% và thấp hơn hiện nay.

Từ những năm đầu, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư trồng lúa ở các tỉnh Đông Nam Bộ, nấm, rau quả xuất khẩu ở Đà Lạt và một số địa phương phía Bắc như Hòa Bình (trồng, chế biến gừng xuất khẩu)… Hiện tại, cũng vẫn có thêm các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp nhưng với quy mô còn nhỏ, chưa có ảnh hưởng lớn về các sản phẩm cụ thể, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương và hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương từ một vài năm nay, nhưng vẫn ở giai đoạn đầu, chưa phát triển được.

Việc chưa thành công của Việt Nam trong thu hút FDI vào nông nghiệp, ngoài yếu tố về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng có thể do khả năng đáp ứng của Việt Nam về vấn đề áp dụng công nghệ, nhân công cho công nghệ cao gần như không có và đặc biệt những chính sách hỗ trợ thiết thựcvề tín dụng, về vốn, về quỹ đất sạch, về đào tạo nguồn nhân lực… là những vấn đề cần được xác định cụ thể để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, cũng như của Nhật Bản vào nông nghiệp công nghệ cao.

PV: - Dư luận đang kỳ vọng việc doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam sẽ tạo cơ hội để Việt Nam quen dần với công nghệ, quy trình và chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, thoát dần lối tư duy ngắn hạn, chọn dễ, ăn xổi ở thì… Ông bình luận như thế nào về kỳ vọng này của dư luận? Để đạt được điều đó, Việt Nam phải làm như thế nào?

TS Phan Hữu Thắng: - Như trên đã nêu, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua mới dừng lại ở việc sản xuất nhỏ, không có quy hoạch đồng bộ thành vùng đủ sức để áp dụng công nghệ, công nghiệp hóa nông nghiệp. Thậm chí như vải thiều đã có sẵn vùng trồng nhưng chế biến, bảo quản lại không có, thanh long cũng có những vùng chuyên canh nhưng chưa tận dụng được hết lợi thế của vùng chuyên canh, lợi thế của sản phẩm. Một số mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc.

Việc dư luận đặt kỳ vọng vào sự đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, cải thiện tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún là hoàn toàn có cơ sở, theo đó Việt Nam cũng cần chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất về xây dựng chính sách hỗ trợ thiết thực về tín dụng, vốn, về phát triển hạ tầng, quỹ đất, nhân lực….

Mới đây, ngân hàng Tokyo Bank của Nhật Bản đã đề xuất mong muốn kết hợp và giữ vai trò hỗ trợ lãi suất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam khi đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam. Đây là cơ hội tốt mà phía Việt Nam cần phối hợp, trao đổi để thực hiện như một chương trình chung giữa hai nước.

PV: - Có thể thấy, hiện bức tranh đầu tư ở Việt Nam như sau: Trung Quốc đầu tư vào dệt may, thép, nhiệt điện với công nghệ kém, nguy cơ ô nhiễm cao, Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp… Vậy Việt Nam nên đưa ra những chính sách về đầu tư thế nào để đỡ bị thiệt nhất?

TS Phan Hữu Thắng: - Thực tế bức tranh đầu tư của Việt Nam ngoài sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc ở các lĩnh vực như dệt may, thép… và hiện Trung Quốc đứng ở mức thứ 9 trong tốp 10 các nước có vốn đầu tư đăng kí lớn tại Việt Nam (tính đến tháng 6/2014 – số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài), còn có rất nhiều các nhà đầu tư khác đến từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có các nhà đầu tư lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ. ASEAN,.. cũng đang đầu tư chủ yếu vào các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Bức tranh đầu tư này, đến thời điểm hiện nay là chấp nhận được, tuy nhiên đã đến thời kỳ Việt Nam nên tập trung quyết liệt thu hút đầu tư của nước ngoài vào các dự án lớn có tác động phát triển ngành và vùng kinh tế (đây là một định hướng đã được xác định từ nhiều năm qua) và nên dành ưu tiên thực hiện các dự án quy mô nhỏ, vừa mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được cho các doanh nghiệp trong nước để tạo thế cân bằng.

Đồng thời chú ý thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản vào Việt Nam, phù hợp với thực tiễn Việt Nam vì hiện công nghiệp phụ trợ của Việt Nam gần như sẽ chậm phát triển hơn nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nước ngoài vào, nhưng việc thu hút các dự án đầu tư có quy mô nhỏ nàychỉ khuyển khích đối với các dự án trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp công nghệ cao.

Liên quan đến những chính sách đầu tư gần đây nhất là Quyết định 03/2014/QĐ – Ttg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư trong đó có nội dung quan trọng là nghiên cứu các đối tác đầu tư.

Bên cạnh việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư, mà trong đó hai bộ luật về Đầu tư và Doanh nghiệp đang được điều chỉnh, việc nghiên cứu các đối tác đầu tư để tìm ra đối tác đầu tư có khả năng, năng lực thực sự và không thể gây nên các bất ổn về kinh tế, cũng như An Ninh quốc gia sau này là nhiệm vụ quan trọng trong XTĐT trong thời gian tới nhằm tô đẹp hơn bức tranh đầu tư nước ngoài hiện có, phù hợp với điều kiện và định hướng, chiến lược phát triển KT – XH đất nước giai đoạn tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

>>>“Chấn chỉnh” để tránh phụ thuộc Trung Quốc

Theo Nguyên Thảo

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên