MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nhiều kinh nghiệm quốc tế áp dụng vào Việt Nam bị triệt tiêu cái hay"

Đại biểu Quốc hội (QH) Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đã trích dẫn phát biểu của một nữ đại biểu QH như vậy khi thảo luận về dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) tại hội trường QH sáng nay 30/3.

Theo đó, đánh giá về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, dự án luật được trình ra Quốc hội lần nay được chuẩn bị rất kỹ, nhưng thực tế trong quá trình xây dựng luật đã có 5 dự án luật bị “vướng mắc” liên quan đến điều ước quốc tế.

Vị ĐBQH tỉnh Tiền Giang nêu ra ví dụ về việc vướng mắc khi xây dựng Pháp lệnh dân số liên quan đến nhiều điều ước quốc tế; Luật khám chữa bệnh liên quan đến điều ước quốc tế ASEAN về vấn đề nhân lực, y tế; và ngay cả Luật Dược sắp tới Quốc hội thông qua.

Theo ông Tiên, trong quá trình xây dựng luật rất vướng và cần nhiều quá trình tham vấn để giải thích.

“Tôi lấy ví dụ về Luật khám, chữa bệnh, các nước ASEAN từ năm 2006 do đồng chí Trương Đình Tuyển đại diện ký kết về nhân lực và cấp bằng, chứng chỉ. Quy định của người ta đầu vào chỉ 5 năm, nhưng ở Việt Nam áp dụng không được, Quốc hội quyết vướng hành chính quá không được, bây giờ treo ở đấy”, ông Tiên nêu và cho rằng sắp tới Luật Dược cũng vậy.

“Hôm kia một nữ đại biểu phát biểu tôi rất tâm huyết. Chị nói là chúng ta áp dụng kinh nghiệm quốc tế quá nhiều nhưng chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam về hành chính cho nên áp dụng quốc tế thì rất hay nhưng vào Việt Nam những cái hay sẽ bị triệt tiêu đi. Vậy chúng ta làm thế nào khi ban hành luật?”, ông Tiên đặt câu hỏi..

Theo vị ĐBQH tỉnh Tiền Giang này, trong các điều ước quốc tế có nhiều vấn đề khác so với luật Việt Nam, do vậy khi trình hoặc xin ý kiến chỉ nên chọn một vài điểm rất cơ bản khác so với luật.

Đưa ra ví dụ về công ước khung về thuốc lá, ông Tiên cho biết, có rất nhiều điều bắt chúng ta phải làm nhưng Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá chúng ta chỉ thể hiện được một số điểm cơ bản còn rất nhiều điểm sau nữa chúng ta phải làm dần dần, nếu không sẽ rất khó.

Tham gia thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho biết ông bày tỏ sự nhất trí cao đối với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo dự án Luật ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).

Theo ĐB Nguyễn Công Hồng, dự thảo lần này được chỉnh lý tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội trong phiên họp tổ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thì thấy dự thảo có một vài điểm nhỏ thuộc về kỹ thuật, nếu không chỉnh sửa có thể gây khó trong quá trình triển khai thực hiện luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực.

Liên quan đến dự kiến kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế, ông Hồng nhất trí là tài liệu này hết sức cần thiết để cơ quan có thẩm quyền cân nhắc đảm bảo tính khả thi, cũng như đảm bảo triển khai kịp thời thực hiện khi điều ước có hiệu lực, tránh tình trạng như thực tiễn hiện nay ở một số công ước còn lúng túng, khi công ước có hiệu lực nhưng chưa rõ ai là cơ quan chủ trì, ai là cơ quan đầu mối, chưa rõ các biện pháp tổ chức quản lý tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện điều ước.

“Một vấn đề nữa tôi thấy cần được cân nhắc thêm đó là một trong những nội dung kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế phải có dự thảo sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 76. Tôi đề nghị cân nhắc lại tính khả thi của quy định này”, ông Hồng đề nghị.

Theo vị đại biểu tỉnh Đồng Nai này, theo quy định tại Khoản 1, Điều 76, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt kế hoạch này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông tin về việc điều ước quốc tế có hiệu lực và liệu trong khoảng thời gian từ khi ký cho đến khi điều ước có hiệu lực, đặc biệt đối với những điều ước quốc tế song phương, thời hạn có hiệu lực ngắn thì cơ quan có thẩm quyền có thể xây dựng được dự thảo, đặc biệt là dự thảo và văn bản quy phạm pháp luật mới hay không.

Thêm vào đó, văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới không thuộc thẩm quyền cơ quan chủ trì thực hiện điều ước, công ước, cần phải kiến nghị đưa vào chương trình do cơ quan khác thực hiện vấn đề này. Trong khoảng thời gian ấy, nếu chúng ta bắt buộc trong dự kiến kế hoạch thực hiện phải có dự thảo văn bản này, liệu như thế về thời gian vật chất có thực hiện được hay không

“Tôi cho rằng, khoảng thời gian như vậy nếu cơ quan chủ trì thực hiện điều ước quốc tế dự kiến được điều khoản văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cần sửa đổi bổ sung, bãi bỏ hoặc dự kiến văn bản quy phạm pháp luật cần được ban hành là tốt lắm rồi. Nếu quy định như dự thảo tôi e không khả thi”, vị ĐBQH tỉnh Đồng Nai nói.

Theo Tuấn Minh

Infonet

Trở lên trên