MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị bỏ Thông tư 23 về nhập khẩu máy móc cũ

Ngày 16/3 tại TP.HCM đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và các nhà đầu tư nước ngoài với chủ đề “Lắng nghe và Đổi mới”. Tại đây các nhà đầu tư đã có những ý kiến rất thẳng thắn về các thủ tục và những vấn đề gặp phải khi kinh doanh tại TP.HCM.

Thông tư 23 gây trở ngại hoạt động đầu tư

Đại diện cho Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (Amcham), ông Herb Cochran cho rằng Thông tư 23 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) (có nội dung quy định cấm nhập máy móc đã qua sử dụng trên 10) đã vi phạm một số điều khoản của WTO bằng cách thiết lập hàng rào tùy ý.

“Thông tư 23 sẽ có hiệu lực vào 1/7/2016, chúng tôi đã có ý kiến và sẽ tiếp tục phản ứng. Chúng tôi cho rằng cần sử dụng một chiến lược quản lý rủi ro để giải quyết vấn đề chứ không phải cấm nhập thiết bị trên 10 năm, do vậy chúng tôi kiến nghị UBND TP kiến nghị Bộ KHCN hủy bỏ thông tư này” – ông Cochran nói.

“63% công ty Nhật trong Hiệp hội xem pháp luật chậm phát triển và sự thiếu minh bạch trong công tác hành chính là nguy cơ khi đầu tư vào Việt Nam” – ông Motohisa Nakagawa.

Đồng quan điểm này, Đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAH) ông Motohisa Nakagawa cũng nhận định Thông tư 23 sẽ gây trở ngại cho các doanh nghiệp nước này khi đầu tư vào Việt Nam.

Theo ông Nakagawa thì: “Hiện nay một lượng lớn các nhà đầu tư chuẩn bị nhập các máy móc đã qua sử dụng vào Việt Nam, và những dự án không thể thiếu các loại máy này. Chúng tôi muốn biết các tiêu chí đặc biệt [để được nhập khẩu] và rất biết ơn nếu TP lưu ý và hỗ trợ cho việc thực thi [những tiêu chí đặc biệt] để không làm giảm nhiệt tình của nhà đầu tư vào Việt Nam”.

Trả lời về vấn đề này ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) thừa nhận rằng “đây là vấn đề rất nóng”.

Theo ông, ngay khi Bộ KHCN ban hành Thông tư 20 về việc nhập khẩu máy móc cũ, Bộ KHĐT chính là nơi phản đối quyết liệt nhất.

“Sau khi nghe phản ảnh của các hiệp hội chúng tôi nhận thấy rất hợp lý nên đã báo cáo Bộ trưởng, sau đó Bộ trưởng cũng đã báo cáo trong phiên họp Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý dừng thông tư 20, và quá trình sửa thông tư 20 thì bộ KHĐT là bộ quyết liệt nhất trong đối thoại, phản biện để cho ra Thông tư 23” – ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng: “Lúc đầu quy định chất lượng máy móc phải còn trên 80% và không quá 5 năm, nhưng sau đó đã bỏ tiêu chí tỷ lệ %, còn về số năm đã nâng từ 5 năm lên 7 năm và bây giờ là 10 năm (…) mình không thể đòi hỏi như G7, G8 vì Việt Nam đang ở mức độ phát triển trung bình”.

Do vậy về việc nhập khẩu máy móc trên 10 năm ông Hoàng khẳng định có 2 trường hợp. Trường hợp 1, nếu máy móc được nhập về nằm trong một dây chuyền hoàn chỉnh thì Hải quan “cứ cho nhập vì các bộ ngành đã thống nhất”.

Thứ hai là những máy móc đặc chủng nhưng không nằm trong dây chuyền thì lúc này bộ KHCN và bộ chuyên ngành sẽ có ý kiến. Ông Hoàng cũng nhấn mạnh rằng hai bộ sẽ phối hợp chặt chẽ để xử lý nhanh. Tuy vậy ông Hoàng thừa nhận mình chưa thỏa mãn tiêu chí thứ 2 này.

Về ý kiến cho rằng Thông tư vi phạm một số điều khoản của WTO, ông Hoàng cho biết sẽ kiểm tra lại. Tuy nhiên theo ông trước đó trả lời câu hỏi về vấn đề này, đại diện Bộ KHCN và các bộ ngành khẳng định các nước trong khu vực cũng có đề ra tiêu chuẩn chứ không phải không có hạn chế.


Khung cảnh buổi làm việc.

Khung cảnh buổi làm việc.

Sửa luật nhưng “đẻ” giấy phép con

Cũng tại buổi trao đổi, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp TP HCM đã nêu nên hiện tượng xuất hiện hàng loạt giấy phép con, và những ràng buộc mới sau khi các bộ luật được ban hành (dựa trên Hiến pháp mới thông qua) nên các doanh nghiệp tiếp tục rơi vào cơ chế xin cho.

“Hiện nay Hải quan cửa khẩu đang phấn đấu 1 cửa liên thông nhưng lại có đến 9 bộ ngành tham gia ký tá. Ví dụ khi nhập khẩu thép chúng tôi phải có giấy kiểm định, thậm chí xin quota hay quy định cắt thép từng miếng ngay trong sản phẩm nhập để kiểm định” – ông Bé cho hay.

Ngoài ra đại diện các Hiệp hội khác cũng nếu ra các hạn chế về ưu đãi thuế, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông yếu kém, đề nghị chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này ông Hoàng thừa nhận đang có sự chồng chéo giữa các bộ luật mà lý do là nhiều bộ luật mới ra đời nhưng có nhiều luật cũ chưa kịp chỉnh sửa. Ông Hoàng cho biết tới đây cơ quan chức năng sẽ rà soát và điều chỉnh những mâu thuẫn này để giải tỏa những khúc mắc của các nhà đầu tư.

Tại phần phát biểu của mình, ông Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ xử lý ngay những vấn đề mà các nhà đầu tư nêu nếu điều đó thuộc thẩm quyền của TP, trong trường hợp không thuộc UB sẽ kiến nghị lên các bộ, ngành Trung ương.

Theo ông Phong, hiện TP đang quyết tâm xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước. Xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, hữu ích và thúc đẩy sự hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính – một trong những “cản ngại lớn cho quá trình đầu tư” và cho biết sẽ nỗ lực tối đa để giảm điều này.

Theo Nguyễn Cường

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên