MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nỗ lực “khơi thông” ùn tắc cảng Cát Lái

Để khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, nhiều giải pháp đã được Cục Hải quan TPHCM và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đưa ra để kéo giảm tình trạng quá tải tại bến cảng này.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến quá tải

Với công suất tiếp nhận đến 85% lượng container hàng hóa tại khu vực TPHCM và các tỉnh phía Nam, cảng Cát Lái hiện đang là cảng biển lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên trong khoảng gần một tháng trở lại đây, bến cảng này đang xảy ra tình trạng quá tải khi lượng container “nằm” tại cảng tăng khoảng 30% so với thời điểm trước.

Theo nhận định của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị trực tiếp quản lý và khai thác cảng Cát Lái), nguyên nhân xảy ra tình trạng ứ đọng hàng hóa tại Cát Lái một phần là do sản lượng, kim ngạch xuất nhập khẩu của TPHCM tăng, dẫn đến khối lượng hàng hóa tại các cảng biển trên địa bàn Thành phố (trong đó có Cảng Cát Lái) cũng tăng theo.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng container thông qua các cảng biển tại TPHCM tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng tại Cát Lái, khối lượng hàng hóa cũng đã tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2013. Đáng chú ý là trong khi khối lượng hàng hóa tập trung tại cảng Cát Lái tiếp tục gia tăng thì bến cảng này vẫn đang phải tiếp nhận thêm khoảng 60% lượng container từ khu vực Cái Mép được chuyển về đây để làm thủ tục.

Ngoài ra, tình trạng tồn đọng hàng hóa tại Cát Lái còn do một số nguyên nhân khách quan khác, như việc ùn tắc kéo dài tại một số bến cảng nước ngoài; việc nhiều hãng vận tải biển thay thế tàu nhỏ bằng tàu có tải trọng lớn để khai thác hàng hóa; tuyến đường giao thông chính dẫn vào cảng Cát Lái đang trong giai đoạn thi công…

Tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái không những ảnh hưởng đến năng suất hoạt động của bến cảng, mà còn tác động đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất nhập tại khu vực TPHCM.

Theo phản ánh từ phía các doanh nghiệp, việc hàng hóa phải nằm tại bến cảng trong thời gian dài khiến họ mất thêm nhiều thời gian để làm các thủ tục hải quan, đồng thời phát sinh thêm nhiều chi phí khác, như phí lưu kho, vận chuyển… Một số doanh nghiệp thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ hủy bỏ hợp đồng vì giao hàng không đúng tiến độ do container bị tồn đọng.

Khẩn trương “khơi thông”

Để khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, Cục Hải quan TPHCM và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đưa ra nhiều giải pháp.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Trần Khánh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết đơn vị này đã làm việc với lãnh đạo các cảng ở Vũng Tàu và chuyển một số chuyến tàu sang cập các cảng đó xuống hàng nhập; chuyển hết container rỗng ra khu vực ngoài cảng, tận dụng tối đa khoảng trống để hạ container hàng; kết hợp nhập, xuất tàu cùng lúc trong các thời điểm bãi quá tải nặng.

Về giải pháp kỹ thuật, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đang triển khai đầu tư thêm 4 cẩu bờ, 6 cẩu bãi và mở rộng thêm diện tích bãi ở cảng Cát Lái. Đồng thời đẩy nhanh thi công và mua sắm thiết bị để khẩn trương đưa cảng Hiệp Phước, kết hợp đưa cảng Phú Hữu-Bến Nghé vào khai thác, giảm tải cho cảng Cát Lái trong thời gian tới.

Về phía cơ quan Hải quan, đại diện Cục Hải quan TPHCM cho hay, để giải tỏa lượng hàng ở cảng Cái Lái, Cục Hải quan TPHCM sẽ triển khai ngay 2 hướng: Những tàu có cảng đến là Cát Lái sẽ đưa hàng về các cảng khác thuộc Thành phố để "chia lửa" và giảm áp lực cho cảng này; những container đưa về cảng Cái Mép sẽ chuyển lên một số cảng tại TPHCM.

Lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, hiện nay năng suất giải phóng tàu tại cảng Cát Lái đã bắt đầu ổn định, xấp xỉ 60 cont/giờ/tàu, thời gian giao nhận bình quân 0,65 giờ/cont. Công suất thông qua hằng năm của Cát Lái là 4,6 triệu teus/năm, trong khi năm nay dự kiến thông qua mức 3,6-3,7 triệu teus.

>>

Theo Phan Hoàng

thunm

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên