MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm hàng nào nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nhất?

Trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,4% thì mức tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 23,9%. Theo đó, 5 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD từ thị trường này gồm: Máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện; vải may mặc; máy vi tính; sắt thép các loại.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2015, hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh và tiếp tục duy trì mức cao nhất với 24,4 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Đáng chú ý, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng cho Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu đạt trị giá là 3,72 tỷ USD, chiếm 18,71% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại từ Trung Quốc, tăng 26,8% so với cùng kỳ.

Điện thoại là nhóm hàng đứng thứ 2 về kim ngạch, với 2,92 tỷ USD, chiếm 14,71% trong tổng kim ngạch, tăng 22,06% so cùng kỳ.

Đối với nhóm nguyên vật liệu dệt may, da, giày, trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc trong 5 tháng là 718,97 triệu USD USD, tăng 16,67% so cùng kỳ. Nhóm hàng vải may mặc nhập từ Trung Quốc trị giá 2,06 tỷ USD, chiếm 10,37%, tăng11,32%

Một nhóm hàng cũng được nhập khá nhiều từ Trung Quốc, đó là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, với trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 5 tháng là 1,95 tỷ USD, chiếm 9,83%, tăng 7,63% so cùng kỳ.

Đáng chú ý là với những mặt hàng vốn là thế mạnh của DN sản xuất trong nước, thì lượng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khá lớn, tạo áp lực cạnh tranh với DN nội. Đơn cử với sắt thép, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp sắt thép cho Việt Nam trong 5 tháng năm 2015 với 1,58 tỷ USD, chiếm 7,98%, tăng 14,28% so cùng kỳ.

Hoặc với sản phẩm phân bón, nước này cũng là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam trong 5 tháng năm 2015, với 224,99 triệu tấn tấn, tăng 6,3% và chiếm 49,1% tổng lượng phân bón cả nước nhập về.

Theo đánh giá của Vinanet, nhìn chung hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc 5 tháng đầu năm nay đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng mạnh tới 303% về kim ngạch. Một số nhóm hàng cũng tăng trên 100% kim ngạch như: Linh kiện, phụ tùng ô tô (+134,63%); phương tiện vận tải khác và phụ tùng (+135,66%); dầu mỡ động thực vật (+112,27%).

Theo đánh giá của bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), kim ngạch nhập khẩu tăng ở mức cao khiến cho nhập siêu giữa Việt Nam với Trung Quốc ngày càng tăng. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm có hai mặt hàng nhập khẩu đáng chú ý là hàng tiêu dùng, với mức nhập khẩu không những không giảm mà còn tăng tới 12,3%, tương đương 800 triệu USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng mạnh lên tới 58.000 chiếc, trong khi cùng kỳ năm chỉ nhập 34.000 chiếc.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến số liệu nhập siêu giữa Việt Nam – Trung Quốc “vênh” lên tới 20 tỷ USD, bà Thủy cho rằng bên cạnh sự khác biệt về phương pháp thống kê của mỗi nước, thì cũng có một phần do buôn lậu và gian lận thương mại. Sự chênh lệch này không chỉ ở Việt Nam mà với nhiều nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc, thì tình trạng “vênh” số liệu cũng diễn ra. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc có thể “bóc tách” cụ thể con số chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc, đại diện của Tổng cục Thống kê cho rằng đây là vấn đề khó, vì cần phải có sự hợp tác giữa hai nước mới làm được.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên