MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những “điểm nghẽn” khiến vốn khó “chảy” vào lĩnh vực hạ tầng giao thông?

Nhiều doanh nghiệp đã nhiều lần nói rõ với Bộ Giao Thông Vận Tải về băn khoăn rằng, hiện chưa có các cơ chế chính sách bảo lãnh của chính phủ đối với các rủi ro như doanh thu, tỷ giá hối đoái, chuyển đổi ngoại tệ....

Theo tính toán của Bộ GTVT, trong vòng 5 năm tới tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam dự kiến sẽ là 1.009.398 tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD). Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, để ngành giao thông có thể huy động được số tiền trên là một thách thức không hề nhỏ.

Bởi lẽ, mặc dù chủ trương kêu gọi xã hội hóa lĩnh vực này được bàn nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn còn đó hàng loạt các “điểm nghẽn”.

Ở góc độ nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã nhiều lần nói rõ với Bộ Giao Thông Vận Tải về băn khoăn rằng, hiện chưa có các cơ chế chính sách bảo lãnh của chính phủ đối với các rủi ro như doanh thu, tỷ giá hối đoái, chuyển đổi ngoại tệ.... do đó chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các nhà đầu tư đòi hỏi lợi nhuận ở một mức cao.

Song đó không phải là lo lắng duy nhất. Mà thực tế thì năng lực tài chính của Nhà đầu tư cũng hạn chế, dẫn tới tỷ lệ vốn tự có tham gia khá thấp, phần lớn vốn đầu tư (85%) là từ vay ngân hàng (vì các dự án thường có quy mô lớn).

Trong trường hợp tổng mức đầu tư phát sinh tăng hoặc gặp rủi ro về tài chính, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn tự có tham gia bổ sung hoặc nguồn trả nợ cho các TCTD.

Về phía nguồn vốn tín dụng, thì hiện nguồn vốn vay cho các dự án GTVT chủ yếu là vốn dài hạn của các TCTD trong nước, tuy nhiên nguồn này đang ở mức giới hạn, nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.

Bên cạnh đó, việc huy động vốn từ các TCTD nước ngoài gặp khó khăn do hầu hết các TCTD đều yêu cầu bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh rủi ro tỷ giá và thậm chí là bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay…

"Trong thời gian qua việc cấp tín dụng đối với các dự án GTVT còn một số bất cập, chưa đánh giá đầy đủ những rủi ro có liên quan” - Chính vì thế Chủ tịch BIDV ông Trần Bắc Hà khẳng định đó mới là nguyên nhân chính khiến ngày 15/7/2015, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN về việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án giao thông theo mô hình BOT.

Theo đó, việc cho vay các dự án GTVT trong thời gian tới cần phải thẩm định chặt chẽ hơn, đánh giá kỹ các rủi ro tiềm ẩn và các TCTD cần áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ trong quản lý sau cho vay.

Bên cạnh đó, khả năng thu hồi vốn hạn chế vốn đầu tư lớn nhưng nguồn thu phí bị hạn chế: Thời gian hoàn vốn của 1 dự án thường kéo dài trên 20 năm, trong khi đó nguồn thu phí bị hạn chế bởi quy định mức phí trần của Bộ Tài chính và khả năng chi trả của người dân.

Doanh thu phụ thuộc tốc độ tăng lưu lượng giao thông trong đời dự án, tức là cũng phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, khả năng cấp vốn dài hạn của ngân hàng rất hạn chế, doanh nghiệp tư nhân không được hưởng các khoản vốn vay ưu đãi (ODA, vay từ ADB, WB...)

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên