MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những rủi ro kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2013 là gì?

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013, các chuyên gia kinh tế cho rằng năm 2013 sẽ không có nhiều đột biến so với năm 2012.

Sáng nay (ngày 30/1/2013)  Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế chính sách – VEPR (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo "Rủi ro kinh tế vĩ mô và tầm nhìn chính sách 2013".

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013, các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng năm 2013 sẽ không có nhiều đột biến so với năm 2012. Có thể có những dấu hiệu cải thiện vào nửa sau của năm, giúp tăng trưởng cả  năm 2013 cao hơn năm 2012 nhưng không đánh kể (khoảng 5,2 – 5,3%).

Lạm phát trong năm 2013 phụ thuộc nhiều vào diễn biến khó dự báo của giá lương thực – thực phẩm, lạm phát lõi và ảnh hưởng trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2012.

Lạm phát có thể trở lại vào năm 2013 khiến mục tiêu lạm phát dưới 6% của Chính phủ đặt ra vào cuối năm 2012 trở nên mong manh. Tăng giá điện vào cuối tháng 12/2012 và sự điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào giữa năm 2013 chắc chắn đóng góp vào mức tăng giá trong năm 2013.

Nhận định của VEPR cũng cho rằng, cán cân thương mại trong năm tới có thể thâm hụt nhẹ trở lại khi có sự phục hồi nhất định trong sản xuất vào cuối năm.

Tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ và phụ thuộc vào sự chủ động của NHNN. Điều này cũng phụ thuộc vào khả năng tác động đến chính sách của khối doanh nghiệp xuất khẩu đang rất khó khăn vì giá trị cao của đồng Việt Nam.

Bên cạnh đó, VEPR dự báo, chính sách điều hành kinh tế sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào các biện pháp hành chính hơn là thị trường. Chính sách tiền tệ có thể tiếp tục được mở rộng một cách thận trọng để đạt được sự kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời đề phòng lạm phát cao quay lại.

“Tuy nhiên, vấn đề chính nằm ở khả năng giải quyết nợ xấu và lành mạnh hóa hệ thống tài chính. Điều này có thể được khởi động trong năm 2013 nhưng tốc độ thay đổi có thể còn chậm” – Nghiên cứu nêu.

Về cải cách DNNN, theo VEPR có thể điều này sẽ được triển khai vào năm 2013, song việc chưa có các quy chế kiểm tra, giám sát cụ thể và thông tư hướng dẫn của các Bộ liên quan trong việc thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với DNNN và vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, lại chưa có đề án cụ thể để xử lý nợ xấu tại DNNN sẽ khiến cho việc cải cách khó mà thực sự diễn ra hữu hiệu ngay trong năm 2013.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam không được cải thiện nhiều trong vòng 2 -3 năm trở lại đây đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải được thay đổi theo hướng tích cực.

Theo báo cáo, rất khó kỳ vọng vào khả năng cải cách sâu rộng trên nhiều phương diện. Có thể chỉ có những thay đổi liên quan trực tiếp đến chính sách đối với các khoản đầu tư mới mà thôi.

Khánh Linh

hanhle

Trở lên trên