MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những yếu tố gây sức ép làm tăng giá cả tháng 8

09-08-2016 - 10:49 AM | Thị trường

Nhu cầu mua sắm, thời tiết mưa bão... sẽ là những yếu tố dự kiến sẽ tác động, gây sức ép tăng nhẹ lên mặt bằng giá tháng 8 này.

Theo thông tin Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) công bố, trong tháng 8 dự báo một số yếu tố sẽ tác động, gây sức ép tăng nhẹ lên mặt bằng giá là: nhu cầu mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017 có thể tăng cao trong tháng 9 tới. Từ đó sẽ đẩy giá một số mặt hàng như: đồ dùng học tập, quần áo, giầy dép, mũ nón, dịch vụ may mặc... tăng.

Ngoài ra, nhóm thực phẩm cũng được dự báo sẽ tăng giá do tác động từ yếu tố thời tiết. Bởi vì, theo quy luật hàng năm, tháng 8 thường xảy ra mưa bão gây tăng giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tại những địa phương bị ảnh hưởng. Trong tháng 8 này, giá trứng có thể tăng do các doanh nghiệp tăng thu mua để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất bánh Trung Thu. Ngoài ra, trong trường hợp thời tiết còn nắng nóng sẽ tiếp tục làm tăng giá điện sinh hoạt lũy tiến, nước sinh hoạt lũy tiến.

Vì vậy, để bình ổn thị trường giá cả trong tháng 8, Cục Quản lý giá kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-C ngày 7.1.2016 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan; chương trình bình ổn thị trường phục vụ mùa khai trường 2016-2017 được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương....Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường để kịp thời có biện pháp quản lý điều hành, bình ổn giá sao cho phù hợp.

Đánh giá về tình hình giá cả thị trường tháng 7 vừa qua, Cục Quản lý giá cho biết, trong tháng 7, giá một số mặt hàng thiết yếu tại thị trường trong nước chủ yếu có xu hướng ổn định hoặc giảm so với tháng 6.

Cụ thể, giá các loại thực phẩm tươi sống có diễn biến giảm nhẹ và ổn định (tùy mặt hàng). Giá thịt lợn hơi giảm nhẹ, tại miền Bắc, giá khoảng 45.000-50.000 đồng/kg (giảm 1.000 đồng/kg), tại Miền Nam, giá khoảng 43.000-48.000 (giảm 1.000-2.000 đồng/kg). Giá thịt bò tương đối ổn định do nhu cầu thị trường không có nhiều biến động, giá phổ biến khoảng 260.000-275.000 đồng/kg. Giá thịt gia cầm cũng diễn biến ổn định, cụ thể: Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch giá ở mức 115.000-125.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 57.000-60.000 đồng/kg.

Giá các mặt hàng thủy hải sản trong tháng 7 cũng không có biến động so với tháng 6. Cụ thể: Cá chép phổ biến 73.000-80.000 đồng/kg, tôm sú phổ biến 187.000-190.000 đồng/kg, cá quả phổ biến 125.000-127.000 đồng/kg. Giá một số loại rau củ quả tương đối ổn định trong tháng, ví dụ như: Bắp cải phổ biến 15.000-17.000 đồng/kg, khoai tây phổ biến 17.000-20.000 đồng/kg, cà chua phổ biến 17.000-20.000 đồng/kg.

Về mặt hàng lúa gạo, cơ quan này cho biết, tại miền Bắc giá thóc, gạo tẻ tháng 7 ổn định hơn so với tháng trước, cụ thể: Giá thóc tẻ thường dao động ở mức 6.500-7.500 đồng/kg, giá một số loại thóc chất lượng cao hơn ở mức 8.000-9.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động ở mức 8.500-14.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại miền Nam, thị trường thóc gạo lại tiếp tục trầm lắng, giá thóc gạo tháng 7 có xu hướng giảm, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ yếu, trong khi nguồn cung lại dồi dào sau vụ thu hoạch lúa Đông Xuân và Hè Thu.

Giá gạo xuất khẩu cũng giảm còn do sức ép gia tăng từ các cuộc đấu thầu bán gạo của Chính phủ Thái Lan, cụ thể: giá thóc tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 4.700-5.000 đồng/kg (giảm 100 đồng/kg), giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì giao tại mạn tàu khoảng 7.400-7.500 đồng/kg (giảm 100-200 đồng/kg), gạo 25% tấm khoảng 7.200-7.300 đồng/kg (giảm 100 đồng/kg).

Theo Tuyết Nhung

Một thế giới

Trở lên trên