MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo của ngành chăn nuôi trước ngưỡng cửa hội nhập

Trong năm 2015, EU đặt mục tiêu gia tăng sản lượng thịt xuất khẩu vào Việt Nam lên thêm 5% so với 2014.

Mới đây Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ và hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã xúc tiến thủ tục kiến nghị điều tra chống bán phá giá thịt gà Mỹ vào Việt Nam. Động thái này dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc doanh nghiệp chăn nuôi nội dần lép vế ngay trên sân nhà.

Ngoại hồ hởi

Thống kê mới nhất từ Tổng cục hải quan cho thấy 6 tháng đầu năm nay, lượng thịt gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam đạt 41.600 tấn, chiếm tới 61,3% tổng lượng thịt gà nhập khẩu. Giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam chỉ ở mức 17.000-20.000 đồng/kg trong khi nhiều trang trại tại Việt Nam giá thành gà ở mức từ 25.000-26.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, gà Mỹ nhập vào Việt Nam với giá 19.000 đồng/kg và bán ra thị trường TP.HCM chỉ 23.000 đồng, rẻ bằng nửa gà nội và gần bằng một phần tư giá bán cho người tiêu dùng tại Mỹ.

Không chỉ là thị trường tiềm năng với doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam còn là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thịt EU.

Theo Tổ chức các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành công nghiệp thịt (UPEMI), năm 2012 Việt Nam nhập khẩu 1 triệu kg sản phẩm thịt từ EU và lên tới 71 triệu kg trong năm 2014, tăng gấp 70 lần.

Trong đó, nhập khẩu thịt lợn từ EU của Việt Nam đạt 113,3 triệu USD năm 2012 tăng lên 695,2 triệu USD năm 2014, nhập khẩu thịt bò tăng từ 58,6 năm 2012 lên 617,2 triệu USD năm 2014.

Năm 2015, EU đặt mục tiêu gia tăng sản lượng thịt xuất khẩu vào Việt Nam lên thêm 5% so với 2014. Cùng với việc đặt mục tiêu này trong năm nay nhiều nước châu Âu như Ba Lan có các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp thị thịt tại Việt Nam. Ba Lan là nước xuất khẩu thịt lớn thứ 4 EU với công nghệ bảo quản hiện đại.

Cách đây vài ngày hội đồng châu Âu công bố chính thức về những cam kết đã thỏa thuận được với Việt Nam thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU cơ bản kết thúc đàm phán. Trong 10 thỏa thuận, có tới 2 thỏa thuận quan trọng về thuế nhập khẩu thịt từ EU gồm:

Thịt lợn thuế sẽ về 0% sau 7 năm, thịt bò sau 3 năm, các sản phẩm chế biến từ sữa trong vòng 5 năm và nguyên liệu thức ăn tối đa 7 năm.

Thịt gà sẽ được giảm thuế toàn bộ sau 10 năm.

Hai thỏa thuận này được xem như mở đường lớn cho doanh nghiệp EU tiến quân sang thị trường Việt Nam.

Nội gặp khó

Kể từ nay tới 7-10 năm tới, hàng rào đối với doanh nghiệp xuất khẩu thịt khi vào Việt Nam có thể kể đến gồm: Thuế nhập khẩu và các quy định về chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về thuế nhập khẩu, mức thuế suất áp dụng với thịt của động vật họ trâu bò đông lạnh là 14-20% tùy theo loại thịt, với thịt lợn đông lạnh là 15%, thịt gia cầm đông lạnh từ 15-40%.

Ví dụ mức thuế suất cao nhất là 40% được áp dụng cho thịt gà tây chưa chặt mảnh, đông lạnh. Đối với đùi gà thuộc loài Gallus Domesticus đông lạnh có mức thuế là 20%.

Đối với rào cản về vệ sinh thực phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm của nước xuất khẩu phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo VSATTP. Với các doanh nghiệp xuất khẩu thịt chuyên nghiệp từ EU thì rào cản này không quá lớn.

Với việc cắt giảm thuế nhập khẩu cùng với không có hàng rào nào quá lớn với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thịt chuyên nghiệp tại châu Âu có thể thấy các đại gia ngành chăn nuôi trong nước đang đối mặt với thử thách vô cùng lớn.

Đơn cử, không ít người tiêu dùng Tp.HCM thắc mắc không thấy sản phẩm thịt gia cầm của doanh nghiệp nội Huỳnh Gia Huynh Đệ bán phổ biến trên thị trường như trước, hay công ty Thanh Bình rút khỏi nghề chăn nuôi gà thịt.

Một trong những cách mà các doanh nghiệp trong nước lựa chọn là liên kết với nhau (Vissan và Hoàng Anh Gia Lai) hoặc đầu tư theo quy mô lớn (Thành Thành Công, Đức Long Gia Lai,…) để cạnh tranh với thịt nhập ngoại.

Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HAGL từng khẳng định, TPP ra đời, HAGL hoàn toàn lạc quan vì công ty đang có từ thiết bị công nghệ, kỹ thuật cho tới các chuyên gia tư vấn hàng đầu để hỗ trợ trong việc phát triển hoạt động chăn nuôi.

Nếu so sánh với các nhà sản xuất chuyên nghiệp từ châu Âu, phần thắng chưa chắc thuộc về doanh nghiệp nội địa tuy nhiên hiện họ đang nắm lợi thế là thói quen tiêu thụ thịt tươi của người tiêu dùng.

Nhưng trong xu hướng cuộc sống hiện đại, thói quen này cũng đang dần thay đổi với sự hiện diện ngày càng nhiều của siêu thị cũng như việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống không còn đảm bảo như trước.

 

Theo Kim Thủy

Trí Thức Trẻ/Cafebiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên