MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô tô vấp rào cản cũ

Việt Nam - Nhật Bản đang phối hợp xây dựng quy định kiểm tra, kiểm toán nội bộ về việc sử dụng vốn ODA

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp cấp cao Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, diễn ra ngày 9-12 ở Hà Nội. Cuộc họp này nhằm tổng kết tình hình thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 5 và thống nhất khởi động giai đoạn 6.

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc vì sao công nghiệp ô tô được chọn là 1 trong 6 ngành triển khai theo Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt kế hoạch hành động, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết riêng ngành này “kẹt” lại vì có nhiều giải pháp chưa thỏa đáng để đạt mục đích đề ra. Đến nay, Bộ Công Thương mới gửi dự thảo xin ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan của cả 2 phía Việt Nam và Nhật Bản.

Phân tích nguyên nhân sự chậm trễ này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết công nghiệp hóa ngành ô tô là lĩnh vực khó đối với Việt Nam vì trước đây đã có chiến lược phát triển nhưng sau 15 năm thực hiện không thành công, đặc biệt là đối với dòng xe 4 chỗ. Một trong những nguyên nhân thất bại là do công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu nên giá thành ô tô Việt Nam không cạnh tranh được với sản phẩm trong khu vực. Nguyên nhân quan trọng khác là nhu cầu sử dụng ô tô, vì nhiều lý do, chưa được khuyến khích thông qua luật thuế và các rào cản khiến sản lượng tiêu thụ không cao.

Khi xây dựng lại chiến lược phát triển công nghiệp ô tô mới, Bộ Công Thương lại vấp phải chính những vấn đề này. Trong đó, thuế có thể giảm được nhưng nhiều vấn đề khác còn rất khó. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Việt Nam chỉ còn thời hạn 3 năm vì đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN sẽ bằng 0, khi đó ô tô các nước tràn ngập thị trường.

Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2014 vừa diễn ra ở Hà Nội cho thấy năng lực sản xuất của các DN ô tô Việt Nam chỉ đạt khoảng 30% trên tổng công suất thiết kế là 500.000 xe/năm. Các DN cho rằng nguyên nhân quan trọng khiến giá ô tô Việt Nam cao hơn 20% so với các nước trong khu vực là do sản lượng quá nhỏ, đẩy chi phí sản xuất lên cao. Ngoài ra, giá ô tô cao còn do chính sách thuế cao, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trở lại buổi họp báo, phóng viên Nhật Bản đặt câu hỏi: “Vấn đề tham nhũng có được đưa vào giai đoạn 6 hay không?”. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Fukada, cho biết chống tham nhũng liên quan tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Còn tại các dự án ODA phát hiện tham nhũng vào tháng 6-2013, Chính phủ Việt Nam đã xử lý rất nghiêm khắc, nhanh chóng.

Theo đại sứ Hiroshi Fukada, phía Nhật Bản cũng không chờ đến khi tòa án xét xử chính thức mà đã có những phản ứng sớm. “Hai Chính phủ đã trao đổi cơ chế kiểm tra, tăng cường quy chế để phòng tránh xảy ra lần thứ hai. Giai đoạn 6 sẽ xem xét giữa các nhóm và nội bộ Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản để có đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào hay không” - ông nói.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết ngay khi Chính phủ biết tin Nhật Bản bắt giữ một số lãnh đạo Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ, các cơ quan chức năng đã phản ứng rất nhanh nhạy, nhất là Bộ Giao thông Vận tải. Các đối tượng liên quan đã bị khởi tố, đang hoàn tất thủ tục để đưa ra xét xử. Ngoài xử lý cá nhân liên quan, Việt Nam và Nhật Bản đã đình chỉ hàng loạt dự án của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - chủ đầu tư; đồng thời rà soát mở rộng sang hàng loạt dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản và các dự án đầu tư hạ tầng khác.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thông tin: Đây chỉ là giải pháp từ phần ngọn, quan trọng là hai bên đang phối hợp xây dựng quy định kiểm tra, kiểm toán nội bộ về việc sử dụng vốn ODA. Theo đó, Việt Nam được quyền thanh tra, kiểm tra chặt các nhà thầu dự án ODA, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp để các công đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà thầu được minh bạch.

“Gốc rễ của vấn đề là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Xử lý triệt để tham nhũng phải bằng cơ chế, không cho những kẻ tham nhũng có cơ hội và khi bị phát hiện phải xử lý nghiêm khắc. Chính phủ đang thực hiện hết sức quyết liệt vấn đề này” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.


>>>“Xin cơ chế” vì muốn sản xuất ô tô thương hiệu Việt

 Theo Tô Hà

huongtt

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên