MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ở Việt Nam, bữa tiệc mới chỉ bắt đầu”

“Trung Quốc đang dịch chuyển chuỗi giá trị, Châu Á cần tìm một điểm tựa mới và Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi lớn” – S&P nhận định.

Trang tin kinh tế Úc (Australian Business Review) dẫn đánh giá của hãng Standard & Poor (S&P) cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn khi nhiều cơ sở sản xuất đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác ở Châu Á. Trong khi các nền kinh tế lớn ở châu Á tăng trưởng chậm lại thì Việt Nam vẫn đang vươn lên.

Hãng Standard & Poor (S&P) cho rằng, trong khi hầu hết các nền kinh tế Châu Á đang tăng trưởng chậm lại do một số nước chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng thì "dường như ở Việt Nam bữa tiệc chỉ mới bắt đầu".

Trong một báo cáo mới công bố, S&P nhận định, cách đây 4 năm, kinh tế Việt Nam vẫn còn đang chật vật với các khoản nợ xấu tăng vọt do Chính phủ tập trung ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam đã thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bất chấp sức cầu vẫn còn yếu và giá hàng hóa thế giới suy giảm.

Theo S&P, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước của Việt Nam - chủ yếu là của các doanh nghiệp nhà nước – cũng chỉ tương đương tốc độ của các nước khác tại Châu Á.

“Ngôi sao sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam đến từ các mặt hàng điện tử và điện thoại di động nhờ các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường đầu tư nhiều nhà máy mới tại Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc” – S&P nhận định.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ gần 33%/năm trong suốt 3 năm qua, thị phần của ngành này trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh từ 18% lên 29%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng dệt may và da giày vẫn giữ ở mức ổn định - khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn chung, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn 2012-2014 đã tăng gấp đôi so với 3 năm trước, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp khoảng 22%, Singapore gần 16%, Trung Quốc và Hồng Kông xấp xỉ 13%...

“Trung Quốc đang dịch chuyển chuỗi giá trị, Châu Á cần tìm một điểm tựa mới và Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi lớn” – S&P nhận định.

Với quy mô dân số khoảng 91 triệu người, lực lượng lao động của Việt Nam sẽ là một yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Năng suất lao động tại Việt Nam cũng tăng lên khi công nhân được trang bị máy móc và công nghệ hiện đại.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), dân số trong độ tuổi lao của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng đến năm 2030, trong khi lực lượng lao động của Trung Quốc lại đang bắt đầu giảm.

WB cho hay, Việt Nam đang được hưởng lợi từ nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Mức lương trung bình của một công nhân tại Việt Nam khoảng 2.800 USD/năm – chỉ bằng với mức lương công nhân tại Trung Quốc cách đây 10 năm. Mức lương trung bình tại Trung Quốc hiện nay đạt khoảng 11.200 USD/năm.

So với các đối thủ cạnh tranh có mức lương thấp trong khu vực, S&P đánh giá Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ các ưu đãi và cởi mở đối với khu vực doanh nghiệp FDI.

Mặt khác, cơ quan xếp hạng tín nhiệm này cũng dự báo, Việt Nam sẽ sớm phải đối mặt với thách thức của việc đồng USD tăng giá và lãi suất tăng do cơ chế tỷ giá cố định và dự trữ ngoại hối thấp. Tính đến tháng 9/2015, dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới đạt mức 31 tỷ USD.

Australian Business Review cũng trích đánh giá của Cơ quan phân tích kinh doanh (IMA Asia) có trụ sở tại Singapore cho rằng, Việt Nam sẽ là nước có lợi nhiều nhất trong số các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thông qua việc giảm thuế các mặt hàng xuất khẩu.

Khi vào TPP, các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam phải nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong một số ngành.

Trước khi TPP được thông qua, giao dịch thương mại giữa Australia và Việt Nam đã tăng trưởng 35% trong năm 2014, tăng lên 8 tỷ USD. Trong khi đầu tư của Australia vào Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ khoảng 1,2 tỷ USD. Theo dự báo của IMA Asia, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6,2% trong năm nay và 6,4% trong năm 2016.

Nguyệt Quế

Australian Business Review

Trở lên trên