MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Cao Sĩ Kiêm: Đề án tái cơ cấu nên làm lại

Tất cả các “bản lề” mà chúng ta hy vọng xoay chuyển tình hình trong năm nay đã lung lay hết rồi.

Khi tham gia thảo luận về kết quả sau 1 năm nền kinh tế Việt Nam thực hiện tái cơ cấu tổng thể (tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013), ông Cao Sĩ Kiêm – Nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đã thẳng thắn đặt vấn đề: Đề án này ngay từ đầu đã có rất nhiều điểm không hợp lý, cần phải sửa.  

“Nhiều người đã đưa ra những ý kiến sửa đổi rất hay cùng với kinh nghiệm của các tổ chức thế giới và tham khảo các nước xung quanh Đề án tái cấu trúc này nên làm lại” – Ông Kiêm nói.

Ông Kiêm đưa ra các luận cứ điển hình như có rất nhiều vấn đề hiện nay đang làm ngược (tức làm từ dưới lên), mặc dù có thể “sửa” thành xuôi được nhưng khi Chính phủ lập ra các ban thì cũng lại tham khảo ý kiến từ dưới lên trên. Chính vì thế có duyệt đi hay duyệt lại thì vấn đề cũng…. rứa (thế)!

Hay như thực tế hiện nay việc tái cấu trúc các TCTD thì mỗi bên đang làm theo một mảng khác nhau, không có sự phối hợp. Nhiều ngân hàng “tiếng” là đã tái cấu trúc nhưng cũng chưa đâu vào đâu; hoặc như tái cấu trúc Vinashin, Vinalines… đến nay cũng chưa đạt được gì.

Chuyển sang một vấn đề khác, ông Kiêm tiếp tục lấy dẫn chứng nếu nhìn dài hạn vài năm thì nền kinh tế đang đi xuống, trong khi báo cáo của những năm gần đây thì kết quả lúc nào cũng theo kiểu thành tích “năm sau cao hơn năm trước”.

Mặc dù đã hết quý I nhưng  tín dụng gần như tăng không đáng kể (0,03%), ngân sách thì giảm, số doanh nghiệp phá sản ngày càng tăng mạnh (báo cáo số liệu DN phục hồi theo ông Kiêm đó chỉ là những doanh nghiệp đổi tên, hay nói một cách khác nếu DN nào đã chết thì “chết thẳng cẳng”)... điều đó đang nói lên vấn đề gì? – Ông Kiêm đặt câu hỏi.

Theo ông Kiêm, nếu không tìm được câu trả lời cho nguyên nhân tại sao nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng như hiện nay thì có tái cấu trúc mấy đi chăng nữa chúng ta cũng  không bao giờ tìm được sự phát triển ổn định.  

“Bản lề xoay chuyển” đã lung lay

Đầu năm được xác định 2013 là năm bản lề, xoay chuyển nhưng đến nay chưa thấy xoay gì. Ông Kiêm chỉ ra 2 cái mà Việt Nam đã “xoay” nhưng đều ở mức nguy cấp.

Cụ thể, 3 nút thắt của nền kinh tế bao gồm: tồn kho, nợ xấu, bất động sản mặt dù ra định hướng giải quyết từ rất sớm nhưng 3 tháng báo cáo của Bộ kế hoạch vẫn là triển khai giải pháp cụ thể. Đến bây giờ vẫn còn loay hoay triển khai giải pháp thì quả thực là chưa giải pháp nào là có thực – Ông Kiêm nói.

Về tồn kho vừa qua tụt xuống là do không sản xuất chứ không phải DN bán được hàng.

Hay như vấn đề nợ xấu không tính cơ cấu lại nợ nhưng cơ quan giải quyết nợ xấu sau 1 hồi giải trình Bộ Chính trị đã thông qua cơ bản, NHNN thì thông báo 1,5 tháng nữa nhưng không biết 1 tháng nữa liệu công ty xử lý nợ xấu đó có thể ra đời được không, đó là còn chưa tính đến độ trễ của chính sách cần thêm khoảng vài tháng. Như vậy là hết năm!

Với thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013 rất nhiều ý kiến và giải pháp được đưa ra, thị trường đã rất phấn khởi, DN thì nghĩ cứu mình đến nơi rồi nhưng đến nay vẫn bất động và không biết bao giờ giải pháp về “cứu” thị trường này mới được ra đời.

Ông Kiêm kết luận, tất cả các “bản lề” mà chúng ta hy vọng xoay chuyển tình hình trong năm nay đã lung lay hết rồi.

Bản lề thứ 2 được ông Kiêm dẫn chứng tiếp đó là: Năm 2013 được xem là năm cơ cấu, sắp xếp lại nền kinh tế và phải chịu tổn thất hy sinh nhưng đến nay thì sao? – Ông Kiêm tiếp tục đặt câu hỏi.

Ông Kiêm đưa ra kịch bản, nếu như năm “bản lề” 2013 không thể xoay chuyển được gì thì những  năm tiếp theo như năm 2014, 2015 có tiếp tục được coi là năm “bản lề” hay không?

Khánh Linh 

hanhle

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên