MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Hạnh Phúc làm Tổng thư ký Quốc hội

Với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã chính thức thông qua việc bầu ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm Tổng Thư ký Quốc hội.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trình bày tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giới thiệu ông Nguyễn Hạnh Phúc để Quốc hội bầu làm Tổng thư ký Quốc hội.

Đây là thủ tục để thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi năm 2014) quy định “Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội”.

Mục đích của chức danh này là để phù hợp với thông lệ quốc tế. Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thực tế lâu nay Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vẫn thực hiện công việc của một Tổng thư ký.

Thưa ông, những nhiệm vụ mà Tổng thư ký Quốc hội sẽ là gì?

Tổng thư ký Quốc hội sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức thông tin liên quan đến báo chí, thông tin tuyên truyền, tài liệu, chủ trì họp báo và các hoạt động.

Tổng thư ký cũng đồng thời đảm bảo phục vụ các hoạt động của Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan.

Tổng thư ký cũng chuẩn bị dự thảo Nghị quyết, tập hợp các thảo luận tại các Quốc hội và hội trường QUốc hội, họp tổ, họp đoàn.

Tổng thư ký cũng có nhiệm vụ chuẩn bị và tổ chức các hoạt động chất vấn.

Vậy nếu theo những vai trò và nhiệm vụ của Tổng thư ký phải làm thì áp lực mà ông phải đảm nhiệm sẽ nhiều hơn có phải không?

Với vai trò hiện nay của tôi là Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội và Trưởng đoàn thư ký kỳ họp thì tôi đang đảm nhiệm những công việc trên. Theo luật, giờ tách bạch ra là thực hiện theo luật. Vì trước đây Luật Tổ chức Quốc hội là không có chức danh này, nhưng giờ Luật quy định có Tổng thư ký Quốc hội.

Việc làm như vậy cũng là để thực hiện theo hội nhập kinh tế xã hội theo quy định, Nghị định của quốc tế. Hiện cả thế giới có lẽ chỉ có Việt Nam và Lào có chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thôi, còn cả thế giới gọi chức danh là Tổng Thư ký.

Nghĩa vụ của Tổng Thư ký ở mỗi nước là khác nhau nhưng về cơ bản nhiệm vụ của Tổng Thư ký là giúp việc cho Quốc hội. Vừa rồi tại Kỳ họp IPU-132 Văn phòng Quốc hội đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng thư ký của thế giới, có 142 Tổng thư ký thế giới đã tham dự tại Việt Nam.

Trong đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chủ trì hai phiên trong đó thảo luận và trao đổi những vấn đề về điều hành, giúp việc và bộ máy hoạt động của Tổng thư ký. Do đó, để hòa nhập với thế giới thì ta nên khẳng định chức danh này và Luật hóa chức danh này.

Nhiệm vụ chức năng, vai trò và cả đãi ngộ của Tổng thư ký có khác gì so với chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội không, thưa ông?

Cả nhiệm vụ, chức năng và đãi ngộ của Tổng Thư ký không có gì khác so với chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mà tôi đang đảm nhận hiện nay. Trong Luật của Quốc hội quy định, Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Theo đó, có hai bộ phận giúp việc cho Tổng thư ký là Ban thư ký, Văn phòng Quốc hội. Bộ máy giúp việc cũng không thay đổi, trong điều kiện không tăng biên chế nên sẽ sử dụng nguyên bộ máy Văn phòng Quốc hội, tức là vẫn phải đảm nhiệm công việc của Ban thư ký.

An Ngọc (ghi)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên