MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PCI và cuộc chạy đua giữa các tỉnh

Nói về tác động của PCI, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: “Từ nghi ngại, băn khoăn, phản ứng, phản đối… lãnh đạo các địa phương đã chủ động hợp tác và nỗ lực cải cách”.

Năm 2005, lần đầu tiên Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng và công bố hàng năm. Đây là kết quả hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Một vài năm sau đó, mỗi khi PCI được công bố là có những tỉnh có ý kiến nghi ngại, băn khoăn, thậm chí là phản ứng, phản đối.

Thế nhưng giờ đây, ngày PCI được công bố hàng năm là một sự kiện được dư luận ngóng chờ. Giữa các tỉnh, lúc đầu là cuộc đua ngấm ngầm, nhưng giờ đây là cuộc đua công khai với cả sự chia sẻ kinh nghiệm để “làm sao thăng hạng” trong bảng xếp hạng PCI mỗi năm.

Tuy nhiên, khi chia sẻ thực tiễn này giữa các tỉnh thì thấy, bên cạnh những tỉnh bước vào cuộc đua với thái độ tích cực thì đòi hỏi của các yếu tố PCI vẫn là một cuộc cải cách khó khăn với những cản trở bởi lợi ích nhóm, bởi sự bảo thủ và bởi “khó là chuyện của DN”.

Thực tiễn vẫn là “trên ấm dưới lạnh”

PCI được xây dựng và công bố với mục đích cung cấp công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá chất lượng công tác quản lý và điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Để cung cấp thông tin này, hàng năm, nhóm nghiên cứu PCI đã tiến hành điều tra “tiếng nói” từ phía DN trong nước đang hoạt động tại địa phương. Mỗi năm, khoảng  8.000 DN trong nước tham gia điều tra PCI và từ năm 2010 có thêm khoảng 1.500 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia cuộc điều tra này mỗi năm.

Nói về tác động của PCI, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: “Từ nghi ngại, băn khoăn, phản ứng, phản đối… lãnh đạo các địa phương đã chủ động hợp tác và nỗ lực cải cách”.

Chỉ số PCI đã được các nhà đầu tư tham khảo khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các tỉnh. Các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân sử dụng PCI để chất vấn lãnh đạo địa phương về kết quả điều hành kinh tế.

“Mỗi năm, đến gần kỳ công bố PCI là thời điểm nín thở của nhiều địa phương. PCI liên quan đến niềm vui, nỗi buồn của DN, vui vì PCI tạo nên cảm hứng cải cách ở địa phương, nhưng cũng buồn khi giảm hạng hoặc không cải thiện”, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu. Ông cũng đã nói nhiều về nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc cải thiện chỉ số PCI nhằm quảng bá môi trường kinh doanh nói chung của Việt Nam.

“Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã chứng kiến những đợt sóng mới cải cách của Việt Nam theo 2 tuyến cơ bản, đó là ở địa phương thì lấy sự hài lòng của người dân, DN làm gốc, liên quan đến nỗ lực cải thiện các chỉ số liên quan đến PCI; ở tuyến Trung ương là Chính phủ với việc ban hành Nghị quyết 19/NQ – CP ngày 18/3/2014 (NQ 19) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và coi đó là thước đo chính thức của Chính phủ với bộ máy thừa hành của mình”, ông Lộc phát biểu.

Cũng theo ông Lộc, với NQ 19, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành chương trình hành động… Như vậy, chương trình cải cách không chỉ nằm trên giấy.

Ở tuyến Trung ương, các bộ, ngành đều đã có kế hoạch và chương trình hành động thực hiện NQ 19. Ở tuyến địa phương, nhiều hội thảo hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng nâng cao chỉ số PCI liên tục được tổ chức ở các địa phương, các cuộc đối thoại giữa chính quyền tỉnh với DN đã được tổ chức. Từ tháng 3/2014 đến nay, 15 tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định cải thiện PCI.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, mối quan hệ với chính quyền gần gũi hơn so với trước. Nếu trước đây, đối thoại giữa DN với Ủy ban Nhân dân tỉnh rất khó khăn thì nay là việc thường xuyên. Rất nhiều tỉnh đã chỉ ra những cải thiện đáng kể.

Bắc Ninh là một điển hình thành công vì đã thực hiện nhiều sáng kiến và thu được kết quả với chỉ số PCI nhiều năm liền nằm trong nhóm các tỉnh có môi trường kinh doanh tốt hoặc rất tốt.

Năm 2013, tỉnh đã xây dựng cơ chế giải quyết vướng mắc của DN thông qua ban hành Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết kiến nghị của các tổ chức kinh tế. Cơ chế này cho thấy DN đã thêm những công cụ pháp lý để bảo vệ mình, không bị tình trạng các kiến nghị rơi vào im lặng. Các cơ quan đã thay đổi thái độ trong việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của DN, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình.

Qua theo dõi, đánh giá, các vụ việc, các kiến nghị của DN đã được giải quyết dứt điểm, không có vụ việc nào tồn đọng. Quy định này tác động tích cực đến chất lượng quản lý và cải thiện môi trường kinh doanh ở Bắc Ninh.

Tuy nhiên, cũng còn một thực tế khác: “trên ấm dưới lạnh” - như ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Tuyên Quang cho biết. Khi chỉ số PCI cuối năm 2011 được công bố, thứ hạng của Tuyên Quang đang ở vị trí 34 năm trước sụt xuống hàng 63/63 – tức là đội sổ. Ngay lập tức năm 2012, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập ban chỉ đạo nâng cao PCI và lập cả kế hoạch, nhưng năm 2013 “vẫn có chỉ số bét” bởi lãnh đạo tỉnh thì quan tâm nhưng các sở, ngành thì chưa, đối thoại với DN thì lãnh đạo tỉnh đến nhưng nhiều sở, ngành không tới dự…

Vẫn tiếp tục là cuộc cải cách khó khăn

Tại các cuộc đối thoại của Tuyên Quang, theo ông Thập cho biết, các vướng mắc đều được nêu ra và giải quyết tại chỗ, nhưng chỉ là bề nổi, còn thực tế nhiều vướng mắc của DN không được giải quyết. Không ngần ngại, ông chỉ ra nguyên nhân lớn ấy là vướng mắc “nhóm lợi ích”. Hay như với thực trạng chi phí ngầm, theo ông Thập, DN không bao giờ tự nhiên bỏ tiền ra mà phải có vướng mắc. Nếu môi trường kinh doanh các tỉnh tốt, chỉ số năng lực đều làm tốt thì chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thể như bây giờ.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế của VCCI – người đã từng tham gia PCI từ những ngày đầu tiên tới bây giờ cũng chỉ ra, đây là một cuộc cải cách đầy khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, PCI của tỉnh lúc thăng lúc trầm. Khi PCI năm 2013 được công bố, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quyết tâm đã có nhưng triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn bởi những vướng mắc như công tác thanh tra quá nhiều, hay hoạt động của ngành công an là các kênh độc lập nên khó can thiệp... Bổ sung thêm những bất cập trên, ông Nguyễn Diễn, Giám đốc VCCI Đà Nẵng chỉ ra rằng, có những vướng mắc DN khó nói thẳng với chính quyền mà phải phản ánh qua hiệp hội.

“Vị trí PCI là nhạy cảm với các chính quyền địa phương, nhưng đó là động lực để cải cách”, ông Đậu Anh Tuấn phát biểu. Còn TS. Vũ Tiến Lộc thì cho rằng, cần có một làn sóng cải cách lần thứ hai để thúc đẩy kinh tế.

Lần đầu tiên kể từ năm 2005 khi tham gia đánh giá chỉ số PCI, đến năm 2012 chính quyền tỉnh Thái Nguyên được cộng đồng DN đánh giá thuộc nhóm điều hành “Tốt”, trong đó có nhiều chỉ số thuộc TOP đầu. Do đó, chỉ số PCI của tỉnh xếp hạng thứ 17, tăng 40 bậc số với năm 2011.

Tiếp đó đến năm 2013, mặc dù về thứ hạng PCI tỉnh Thái Nguyên bị tụt 8 bậc, từ 17 xuống thứ 25, nhưng vẫn được cộng đồng DN đánh giá thuộc nhóm điều hành “Khá”.

Điều gì đã làm thay đổi cách đánh giá của cộng đồng DN đối với chính quyền tỉnh, đăc biệt trong thời điểm rất khó khăn và nhạy cảm, khi mà cộng đồng DN vẫn đang chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế? Phải chăng là lòng tin của họ đối với chính quyền đã được gia tăng, mối quan hệ giữa chính quyền – DN đã được cải thiện theo chiều hướng rất tích cực?

Hành động đầu tiên, nhưng là định hướng xuyên suốt trong giai đoạn về sau, đó là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19 về mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cho các DN, cải thiện chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên trong dài hạn. Trong đó, xác định mục tiêu, tôn chỉ "Chính quyền thân thiện, đồng hành cùng DN". Đây chính là điểm tựa, là tiền đề bứt phá cho quá trình cải thiện mối quan hệ chính quyền và DN ở tỉnh Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên

Theo Hoàng Linh

cucpth

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên