MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá sản nhiều... tăng trưởng vẫn cao?

Nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về những bất cập của nền kinh tế sẽ tiếp tục được bộc lộ nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục.

Nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch

Đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, UBTVQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong quản lý, điều hành kinh tế cơ bản thực hiện đạt mục tiêu tổng quát năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, tình hình KT-XH năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập chưa có xu hướng thay đổi tích cực.

Bên cạnh đó, cân đối NSNN rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn TPCP ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng không chỉ trong năm nay mà còn không bố trí đủ vốn đầu tư để phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Ngoài ra, lực lượng chủ chốt góp phần tăng trưởng là các DN lâm vào tình trạng phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn. 9 tháng đầu năm 2014, số DN thành lập mới là 52.525, số DN giải thể, phá sản là 51.244, số DN tạm dừng hoạt động là 18.873. Đáng chú ý đã có một số DN quy mô trung bình và lớn, mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản....

Nhìn lại kết quả thực hiện phát triển KT-XH và tái cơ cấu nền kinh tế từ năm 2011-2014, đại diện cơ quan thẩm tra cũng cho biết, các chỉ tiêu KT-XH, môi trường đạt thấp. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm 2011-2014 dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 5,6%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch là 6,5% - 7%.

“Sản xuất nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, năm 2011 là 4,02%; năm 2012 là 2,68%; năm 2013 là 2,67%, năm 2014 ước tính tăng trở lại nhưng cũng ở mức 3%-3,1%”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh sự quan ngại.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có đánh giá sâu sắc, sát thực hơn cả mặt tích cực và tiêu cực. Tổng mức đầu tư toàn xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội là khoảng 33,5-35% GDP. Nhưng theo báo cáo của Chính phủ, năm 2014 là 30,1%, kế hoạch năm 2015 là 27,7% và dự báo 5 năm là 30,1%.

So với kế hoạch 5 năm tỷ lệ này đạt mức quá thấp, phản ánh môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn, chưa tạo được niềm tin cho NĐT. Tích lũy đầu tư được cân bằng, nhưng vẫn phải vay để chi đầu tư, cho thấy một phần không nhỏ tích lũy đã không được chuyển vào đầu tư sản xuất kinh doanh và chưa có giải pháp huy động, thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển, tạo ra công trình chất lượng tốt với giá thấp hơn.

Bên cạnh đó, xuất siêu lớn vẫn là giá trị hàng hóa gia công, lắp ráp của khối DN FDI với máy móc, thiết bị, trình độ khoa học công nghệ tương đối thấp, giá trị gia tăng tạo mới không cao. Dù năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu nhưng chỉ là hiện tượng mà chưa nói lên tính bền vững của một nền kinh tế đang phát triển.

Một nội dung quan trọng khác được nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ giải thích rõ ràng hơn, rằng tại sao tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, DN ngừng hoạt động vài năm trở lại đây rất lớn, nhưng tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước.

Có ý kiến bày tỏ nghi ngại, DN khó khăn, song chỉ tiêu tạo việc làm mới năm nào cũng đạt xấp xỉ 1,6 triệu lao động liệu có thuyết phục hay không. Một số ý kiến khác lại cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP quý III tăng 6,19% là chưa thuyết phục vì chưa làm rõ được nguồn lực nào tạo tăng trưởng đột biến trong quý III làm cho 9 tháng đạt 5,62%, trong khi tăng trưởng quý I là 5,09%; quý II là 5,42%.

Cần tiếp tục nỗ lực trong năm 2015

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trên cơ sở tình hình KT-XH  4 năm 2011-2014, Chính phủ đã đưa ra dự kiến các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2015. Cụ thể: GDP tăng khoảng 6,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2014; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP khoảng 5%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 28% GDP; tốc độ tăng CPI khoảng 5%...

Song, theo ông Nguyễn Xuân Cường (Ban Kinh tế Trung ương), việc đề ra các chỉ tiêu về cơ bản đã có sự tính toán nhưng riêng chỉ tiêu tốc độ tăng GDP 6,2% là nhiệm vụ rất khó khăn. Trong 4 trụ cột lớn để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng là: xuất khẩu, tiêu dùng trong nước, đầu tư xây dựng và sản xuất trong nước, thì hiện nay chỉ có hoạt động xuất khẩu là khả thi, 3 trụ cột còn lại nếu không thực hiện quyết liệt khó đạt được mục tiêu 6,2%.

Ngoài ra, một số ý kiến khác đề nghị Quốc hội cần ban hành các chính sách quyết liệt hơn trong việc kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Một số ý kiến lại đề nghị, trong thời gian tới không nên quá nhấn mạnh mục tiêu “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô” và coi đây như là công việc thường xuyên của Chính phủ mà cần tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho DN và người dân.

Về một số chỉ tiêu cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình với quan điểm cho rằng dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 khoảng 6,2%, trong khi chỉ tiêu tăng tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội chỉ ở 27,7% GDP là khó khả thi và đề nghị chỉ tiêu này tối thiểu là 32% GDP.

Về chỉ tiêu bội chi NSNN là 5% GDP nếu cộng với 85 nghìn tỷ TPCP thì mức bội chi đã lên đến hơn 7% trong khi Nghị quyết của Quốc hội đến năm 2015 bội chi ngân sách đạt dưới 4,5% GDP, bao gồm cả TPCP. Ông đề nghị bội chi NSNN cần tính cả TPCP cho thực tế hơn và phấn đấu khoảng 6% GDP.

Về NSNN năm 2014, theo tính toán Bộ Tài chính sẽ vượt thu khoảng 52 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên theo ông Nguyễn Xuân Cường, khả năng con số này sẽ lớn hơn. Ông đề nghị dành phần nhiều số này cho đầu tư phát triển, đối với dự toán 2015, ông đề nghị cần dự báo sát thực tế hơn, tránh tình trạng vượt thu lớn làm tránh bị động trong điều hành.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, các con số thu được tính từ tháng 9, như vậy từ nay đến cuối năm còn tới 3 tháng, vượt thu NSNN dự kiến sẽ từ 80 đến 100 nghìn tỷ đồng. Ông đề nghị tăng thu ngân sách năm nay phải dùng để đầu tư phát triển, giải quyết nợ và xoá đói giảm nghèo.



"Phải làm ra tiền, không ngồi xem túi tiền có bao nhiêu để chia"


Theo Dương Công Chiến

huongtt

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên