MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá thế độc quyền EVN: Dân và doanh nghiệp hưởng lợi

Doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện với mức giá điện hợp lý, minh bạch.

Bộ Công thương đã chính thức quyết định phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong đó xóa bỏ vai trò độc quyền của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Cụ thể, trong thị trường phát điện hiện nay, các doanh nghiệp phát điện cạnh tranh để bán cho người mua duy nhất là EVN. Sau đó, EVN sẽ bán lại 5 tổng công ty làm nhiệm vụ phân phối-bán lẻ (Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).

DN, người dân được hưởng lợi do giá điện hợp lý, minh bạch hơn!

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết khi chuyển sang Thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện sẽ được tự do lựa chọn bán điện cho 5 tổng công ty phân phối.

Bên cạnh các tổng công ty phân phối , các đơn vị phát điện còn được bán cho các đơn vị mua buôn bán lẻ mới thành lập trên thị trường điện. Và đặc biệt các đơn vị phát điện còn được bán điện trực tiếp cho các khách hàng lớn như các khu công nghiệp, nhà máy xi măng, thép... đấu nối trực tiếp vào luới điện truyền tải.

Như vậy, phạm vi cạnh tranh trong ngành điện đã được mở rộng, không chỉ trong khâu phát điện mà còn mở rộng sang khâu mua buôn điện.

Việc hình thành thị trường bán buôn điện sẽ tạo động lực để các Tổng công ty Điện lực sẽ phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Khi đó, doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện với mức giá điện hợp lý, minh bạch.

"Việc đưa Thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành sẽ bỏ vai trò độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển tiếp lên cấp độ thị trường bán lẻ điện, đưa cơ chế cạnh tranh vào tất cả các khâu của ngành điện”, ông Tuấn khẳng định.

Theo đó, khách hàng lớn tham gia thị trường bán buôn điện sẽ mua điện theo giá thị trường. Các khách hàng còn lại sẽ tiếp tục mua điện từ các Tổng công ty điện lực theo biểu giá bán lẻ điện thống nhất toàn quốc như hiện tại.

Ông Tuấn cho biết: "Cục Điều tiết Điện lực đang làm dự thảo trình Bộ Công Thương ban hành các văn bản pháp lý để khuyến khích khách hàng lớn tham gia thị trường điện theo các nguyên tắc công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử”

Giá điện sẽ được điều chỉnh phù hợp với thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Ông Tuấn cho rằng, trong thị trường điện cạnh tranh, giá điện sẽ phản ánh đúng quy luật cung cầu trên thị trường. Các đơn vị phân phối cũng phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ để cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, các thành phần chi phí này sẽ được phản ánh một cách minh bạch và hiệu quả trong biểu giá bán lẻ điện của khách hàng sử dụng điện.

Hiện tại, Cục Điều tiết Điện lực đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiên cứu để trình các cấp thẩm quyền về việc sửa đổi Quyết định 69/2013/QĐ-TTg năm 2013 quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

"Việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường sẽ đảm bảo phản ánh đúng tín hiệu giá và tính hiệu quả của thị trường bán buôn điện cạnh tranh”, ông Tuấn khẳng định.

Định hướng xây dựng cơ chế giá điện sẽ tập trung vào các nội dung:

Một là, điều chỉnh cơ chế giá bán lẻ phù hợp với thiết kế của thị trường bán buôn điện.

Hai là, chi phí mua điện trên thị trường điện là một yếu tố đầu vào để xác định giá bán lẻ điện.

Ba là, giá điện kịp thời phản ánh được biến động của các thông số đầu vào trên thị trường như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu nguồn huy động…

Như vậy giá bán lẻ sẽ phản ánh theo qui luật cung cầu trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đồng thời Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tiền điện trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ chính sách.

Theo kế hoạch, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được vận hành thí điểm vào đầu năm 2016 và chính thức vận hành thanh toán thực năm 2019.

Theo Bạch Dương

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên