MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điều kiện tiên quyết để đổi mới, cải cách là xác định lại vai trò của nhà nước trong mối quan hệ với thị trường và xã hội, và bài viết của Thủ tướng đã nhấn rất mạnh yêu cầu đó.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Trao đổi với chúng tôi về bài viết mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, bà Phạm Chi Lan cho biết bà ủng hộ quan điểm “phải dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ”, phải “đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị” trong bài viết.

Nhà nước chỉ là một cấu trúc trong xã hội

Thưa bà, bài viết của Thủ tướng đã đặt ra yêu cầu phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội. Theo bà, tại sao bài viết lại đề cập nhiều tới vấn đề này?

Phải nói rằng đây là điều kiện tiên quyết để cải cách, đổi mới. Nếu không thay đổi nhận thức về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường mà vẫn hành xử theo kiểu kế hoạch hóa tập trung thì không thể đổi mới, cải cách. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật, tức là môi trường cho người dân hoạt động, nếu nhà nước vẫn nghĩ mình đứng trên, nắm mọi nguồn lực, làm tất cả mọi việc, thay mặt xã hội giải quyết mọi vấn đề… tức là không tôn trọng vai trò của thị trường, của người dân, của xã hội.

Hơn nữa, làm kinh tế thị trường thì phải tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường. Đại hội XII của Đảng cũng khẳng định nền kinh tế phải vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Nếu nhà nước muốn can thiệp quá nhiều vào thị trường thì làm sao có cơ chế thị trường đầy đủ?

Tương tự, muốn kinh tế thị trường và nhà nước vận hành tốt, phát huy được vai trò, thì quyền của xã hội phải được nhà nước và thị trường tôn trọng. Nói cho cùng, trong bất kỳ xã hội nào, quốc gia nào, nhà nước cũng chỉ là một cấu trúc nhỏ so với toàn xã hội, mặc dù ở đâu nhà nước cũng có vai trò rất quan trọng. Khu vực doanh nghiệp cũng vậy, cứ cho là gần 600 nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam đang hoạt động thì so với xã hội vẫn là nhỏ. Vai trò của xã hội vẫn là lớn nhất, quyền lợi của xã hội vẫn cần được quan tâm nhất. Không đánh giá đúng và tôn trọng, thực thi vai trò của xã hội thì không thể có một nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Do đó, điều quan trọng nhất là phải thay đổi vai trò của nhà nước. Chẳng hạn, trong 3 lĩnh vực trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế được xác định, thì có 2 lĩnh vực hoàn toàn thuộc quyền chi phối của nhà nước, đó là doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Còn lại khu vực ngân hàng thương mại thì phần do nhà nước chi phối cũng rất lớn. Nếu nhà nước không sẵn sàng giảm vai trò của mình và tăng quyền của thị trường và xã hội trong các lĩnh vực này, thì làm sao tái cơ cấu được.

Việc nhận thức lại vai trò của nhà nước cũng sẽ là điều kiện tiên quyết để giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra như bội chi ngân sách hay nợ công…

Thị trường quyết định

Bài viết của Thủ tướng đã đưa ra những định hướng trong việc xác định vai trò của các chủ thể, như nhà nước kiến tạo phát triển, thị trường quyết định việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực, xã hội đóng góp xây dựng, phản biện và giám sát thực thi chính sách, nhằm hạn chế các khiếm khuyết của thị trường và nhà nước… Quan điểm của bà về các định hướng này?

Đây là những quan điểm rất đúng đắn. Thị trường quyết định việc huy động, phân bổ nguồn lực là nguyên tắc hết sức quan trọng, chỉ như vậy thì các nguồn lực mới được sử dụng hiệu quả nhất. Nhưng để thực hiện triệt để nguyên tắc này, chúng ta phải thay đổi rất nhiều, từ tư duy đến khung khổ pháp luật pháp, chính sách và thực thi, đặc biệt về chế độ sở hữu và quyền tài sản.

Tất nhiên, không thể hiểu thị trường ở đây là công ty này hay doanh nghiệp kia. Mà thông qua cạnh tranh bình đẳng, ai chứng minh được rằng có khả năng sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất thì sẽ được tiếp cận nguồn lực ấy. Nhưng ở Việt Nam, vẫn có những hiện tượng như đấu thầu “quân xanh, quân đỏ”. Hoặc một dự án được phê chuẩn xong rồi nhưng nhà đầu tư vẫn phải chờ thậm chí trong nhiều năm… Để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc huy động, phân bổ nguồn lực thì phải bảo đảm quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của các chủ thể.

Mặt khác, xã hội sẽ giám sát, điều chỉnh, hạn chế các khiếm khuyết của cả thị trường và nhà nước. Chẳng hạn, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý với sức ép của dư luận xã hội, của báo chí. Phải thừa nhận rằng bất kỳ nhà nước nào cũng có khiếm khuyết, vấn đề là có cơ chế đủ mạnh để điều chỉnh và hạn chế các khiếm khuyết, trong đó có vai trò của xã hội, của báo chí, của dư luận… Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ những quyền của công dân như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình…, tất cả những điều đó được thực thi tốt sẽ thúc đẩy vai trò của xã hội.

Thị trường cũng vậy, kể cả một nền kinh tế thị trường đầy đủ cũng vẫn có khiếm khuyết của nó, như vì chạy theo lợi nhuận mà hủy hoại môi trường, độc quyền, móc ngoặc với nhau xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, rồi các nhóm yếu thế có thể bị đè bẹp… Cùng với nhà nước, xã hội có thể hạn chế những khiếm khuyết đó của thị trường.

Theo quan sát của bà, thì những định hướng trên đây đã đi vào thực tế chưa?

Chính phủ đã triển khai một số định hướng này trong thời gian qua, thể hiện rõ nhất trong hai Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tinh thần của hai Nghị quyết là yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát lại thủ tục, chính sách, giảm bớt phiền hà, giảm chi phí… cho doanh nghiệp, thực chất cũng là giảm bớt sự can thiệp của nhà nước. Ví dụ trước đây doanh nghiệp phải mất hơn 800 giờ nộp thuế mỗi năm, nay chỉ còn gần 200 giờ theo tuyên bố của Bộ Tài chính thì có nghĩa là nhà nước đã giảm đi sự can thiệp trong hơn 600 giờ. Hoặc các bảng kê khai thuế trước đây bắt doanh nghiệp phải kê khai hàng trăm chi tiết, nay loại bỏ bớt thì cũng có nghĩa là nhà nước can thiệp ít đi.

Rồi các chủ trương khác trong Nghị quyết 19 như xã hội hóa cung cấp dịch vụ công, giao quyền tự chủ hay cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công… cũng là trả lại cho xã hội những việc mà xã hội và thị trường có thể làm hiệu quả hơn. Hoặc giao cho các hiệp hội doanh nghiệp giám sát thực hiện Nghị quyết chính là tăng vai trò của xã hội trong giám sát nhà nước.Tương tự là chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Từ nhiều năm trực tiếp chỉ đạo đàm phán TPP

Bà nói rằng nhận thức lại vai trò của nhà nước là điều kiện tiên quyết để cải cách, đổi mới. Bài viết của Thủ tướng khẳng định“phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế”. Vậy bối cảnh trong nước và hội nhập quốc tế đang đặt ra yêu cầu đổi mới cấp bách như thế nào, nhất là cải cách thể chế?

Tôi đồng ý quan điểm phải dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ mà Thủ tướng nêu ra trong bài viết. Ở trong nước, nền tảng kinh tế-xã hội đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, người dân đã được trao quyền tự do kinh doanh, người nông dân có quyền trên mảnh ruộng của mình, kinh tế tư nhân đã đóng góp phần lớn trong GDP… Các tầng lớp trong xã hội đang đòi hỏi phải tôn trọng hơn các quyền của họ. Trước đây nhà nước hầu như cái gì cũng “lo” cho dân, thì nay dân tự lo cho mình là chính, và họ phải được đảm bảo các quyền cơ bản để tự lo cho họ, đồng thời góp phần phát triển đất nước.

Thế giới cũng đã chứng minh rằng chỉ có mô hình kinh tế thị trường mới tạo ra phát triển, nếu không sẽ lạc hậu. Rồi các cam kết quốc tế của Việt Nam với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là TPP, đòi hỏi giám sát rất chặt chẽ mọi hoạt động của nhà nước. Nếu nhà nước ra quyết định sai làm phương hại đến lợi ích của nhà đầu tư thì họ có thể khởi kiện.

Phải nói thêm rằng 11 nước trong TPP giám sát nước thứ 12 sẽ hiệu quả hơn sự giám sát của hơn 150 nước trong WTO, vì lợi ích gắn chặt hơn. Một trong những lợi ích của ta khi tham gia TPP là thúc đẩy cải cách trong nước, thông qua việc TPP đưa ra rõ các chuẩn mực về kinh tế thị trường, về thể chế kinh tế và vai trò của nhà nước.

Riêng quan hệ giữa nhà nước, xã hội và thị trường, gần như cả 30 chương của TPP đều thể hiện điều này, khi nói rõ nhà nước làm gì, doanh nghiệp được làm gì, người dân tham gia tới đâu, với rất nhiều quy định khi nào phải tham vấn người dân.

Ví dụ, TPP dành hẳn một chương về doanh nghiệp nhỏ và vừa, yêu cầu các chính phủ phải cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này như thế nào và TPP còn lập hẳn một ủy ban để thúc đẩy và giám sát thực hiện.

Bài viết của Thủ tướng đề cập nhiều đến nội dung này, bởi với vai trò là người nhiều năm trực tiếp chỉ đạo đàm phán, ông nắm rất rõ những điểm cốt lõi của TPP, và cũng hiểu rõ sự tương đồng giữa yêu cầu cải cách thể chế từ trong nước với đòi hỏi hay cơ hội cải cách từ tham gia TPP.

Không thể công nghiệp hóa theo mô hình cũ

Trong một thời đại đang vận động và thay đổi rất nhanh, nhiều mô hình công nghiệp hóa trước đây đã không còn phù hợp nữa, đâu là cơ hội của Việt Nam?

Bài viết Thủ tướng đã đưa ra quan điểm rằng các mô hình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu không còn nguyên ý nghĩa kinh điển. Đúng vậy. Thế hệ công nghiệp hóa đầu tiên là thay thế lao động giản đơn bằng máy móc, còn làn sóng công nghiệp hóa thế hệ thứ 4 hiện nay là thời của những công nghệ, mô hình tổ chức và quản trị rất cao, khác hẳn trước đây, nên nếu chúng ta vẫn theo đuổi công nghiệp hóa theo kiểu cũ thì không thể thành công.

Trong bối cảnh hiện nay, không một quốc gia nào có thể đứng riêng khỏi mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Báo cáo Việt Nam 2035 sắp được công bố cũng đưa ra cách tiếp cận tương tự như Thủ tướng đã chỉ ra, đó là công nghiệp hóa dựa trên sức cạnh tranh, khai thác và tạo lập lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh mới, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời phấn đấu chiếm lĩnh các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị đó.

Trong quá trình này, việc phát triển nguồn nhân lực là vô cùng then chốt, cùng với đó là đổi mới sáng tạo, đô thị hóa, phát triển các dịch vụ hiện đại, thương mại hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, tận dụng các cơ hội thương mại và kết nối toàn cầu… Trên nền tảng cải cách thể chế, quá trình này có thể mang lại những thay đổi rất lớn cho Việt Nam.

3 điểm mấu chốt nhất để cải thiện môi trường kinh doanh

Trong bài viết, Thủ tướng đặt ra yêu cầu rằng những tiến bộ trong cải cách thể chế phải được chuyển hóa đầy đủ sang cải thiện môi trường kinh doanh. Theo bà, đâu là những điểm mấu chốt nhất để cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam?

Theo tôi có 3 điểm quan trọng nhất. Trong đó, yêu cầu số một là tạo bình đẳng trong môi trường kinh doanh, cũng có nghĩa là tạo môi trường cạnh tranh thực sự ở Việt Nam. Mọi biệt đãi phải được xóa bỏ. Doanh nghiệp nhà nước phải được cải cách và tuân thủ các nguyên tắc cạnh tranh của thị trường.

Vấn đề thứ hai là cải thiện quyền tiếp cận các nguồn lực. Hiện khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này, mà quan trọng nhất, phổ biến nhất là nguồn lực đất đai và tín dụng.

Thứ ba là bảo đảm quyền tài sản cho doanh nghiệp, cho người dân, trong đó có nông dân.

Những cải thiện trên phải được luật hóa và thực thi bằng các cơ chế rõ ràng, minh bạch với sự giám sát của doanh nghiệp và xã hội. Phải bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm gỉải trình, nghĩa là đưa ra quy định thì ai chịu trách nhiệm thực hiện, ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm thế nào, nếu bản thân quy định cũng sai hoặc không ổn (như không ít trường hợp đã xảy ra) thì ai chịu trách nhiệm và khắc phục thế nào.

Đổi mới đồng bộ cả chính trị và kinh tế

Thủ tướng đặt vấn đề phải đổi mới đồng bộ cả chính trị và kinh tế. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Hết sức cần thiết. Trong nhiều trường hợp, không đổi mới chính trị thì không đổi mới được kinh tế. Ví dụ như thực hiện tái cơ cấu kinh tế như đã nói ở trên, nếu không đổi mới tư duy và thực tiễn về vai trò của nhà nước trong kinh tế thị trường thì không thể thực hiện tái cơ cấu đến nơi đến chốn được. Một bộ máy nhà nước cồng kềnh, không thật rõ chức năng và trách nhiệm của từng cơ quan và cá nhân, cán bộ, công chức năng lực hạn chế, sức ỳ lớn cũng đâu có thể tiến hành những cải cách mà đất nước và xã hội đòi hỏi.

Đổi mới chính trị cũng đòi hỏi tăng cường dân chủ hơn nữa, bao gồm các quyền mà Hiến pháp đã qui định, như quyền bầu cử của người dân, sự tham gia của người dân trong thiết kế các chính sách và qui định của nhà nước, sự giám sát của người dân đối với các hoạt động của nhà nước và thị trường, hoặc tiếng nói của người dân phản biện chính sách, phê phán, tố cáo tiêu cực. Rồi phải bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và các quyền khác.

Điều mà người dân và doanh nghiệp đang chờ đợi nhất là Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách toàn diện. Với doanh nghiêp thì nâng cao năng lực cạnh tranh là câu chuyện sống còn, nhưng lại chỉ phụ thuộc một nửa vào họ, nửa còn lại phụ thuộc vào môi trường kinh doanh. Về năng lực cạnh tranh cấp vi mô thì doanh nghiệp phải tự lo, nhà nước không cần “cầm tay chỉ việc” mà cũng không thể chỉ được. Nhưng như Thủ tướng đã chỉ ra, doanh nghiệp phải hành động trong khung khổ thể chế và môi trường kinh doanh xác định và điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước.

Mong rằng những thông điệp đầy tâm huyết và rất đúng lúc của Thủ tướng trong bài viết về TPP sẽ được các cơ quan có trách nhiệm đón nhận nghiêm túc và sớm biến thành hành động cải cách mạnh mẽ, đáp ứng mong đợi của doanh nghiệp và người dân trước những cơ hội và thách thức to lớn đang chờ đón đất nước ta trong quá trình phát triển và hội nhập trong năm 2016 và những năm tới.

Xin trân trọng cám ơn bà!

Theo Hà Chính (thực hiện)

Báo Chính Phủ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên