MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải nhanh chóng thoát khỏi phụ thuộc Trung Quốc

Việt Nam cần phải thoát khỏi xu hướng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và nhập cuộc vào một đội hình mới, vào chuỗi sản xuất ở đẳng cấp cao hơn.

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
83 bài viết

Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn CEO: Nâng cao tâm và thế cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã bước qua 5 năm vất vả, nền kinh tế đã hồi phục, có nhiều điểm tích cực và cảm thấy có nhiều động thái phát triển mới. Tuy nhiên vẫn chưa hoàn toàn yên tâm vì nền kinh tế còn nhiều vấn đề, đặc biệt là khi bước vào cuộc chơi mới khó khăn, khốc liệt hơn.

“Năm 2015, chúng ta đã đàm phán xong 5 Hiệp định, đó là những Hiệp định với đẳng cấp cao, trình độ, mức độ cam kết cao, có tính mẫu mực của thế kỷ 21. Nó cũng là một thách thức cho một nước đi sau, kém phát triển, còn nhiều khó khăn như Việt Nam”, ông Thiên nói.

TS. Trần Đình Thiên cho biết, những Hiệp định này bao hàm những đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Cộng đồng kinh tế ASEAN, EU… Theo ông, Việt Nam cần phải thoát khỏi xu hướng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và nhập cuộc vào một đội hình mới, vào chuỗi sản xuất ở đẳng cấp cao hơn.

“Nếu hợp tác tốt với những đối tác này thì không có lý gì để chúng ta không bay lên”, PGS.TS Trần Đình Thiên tin tưởng.

Tuy nhiên, cạnh tranh về giá cả, những đòi hỏi liên quan đến hàng rào phi thuế quan sẽ là những thách thức lớn của Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, thiếu sự dày dặn kinh nghiệm. Đặc biệt là cách làm ăn, tầm nhìn còn hạn chế. Tinh thần đầu cơ, chụp giật phong cách xin cho vẫn còn nặng nề.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cũng nhìn nhận, bên cạnh những thế mạnh như phần lớn doanh nghiệp trẻ, có khát vọng làm giàu, nhạy bén, thích nghi trong điều kiện hoàn cảnh thì doanh nghiệp Việt vẫn còn 3 điểm yếu.

“Doanh nghiệp của chúng ta non trẻ nên tiềm lực kém, thiếu sự liên kết, chưa quen với thông lệ quốc tế và tinh thần kinh doanh dựa trên kỷ cương pháp luật. Ngoài ra một bộ phận dựa vào quan hệ”, ông Lịch chỉ ra.

Theo TS. Trần Du Lịch, có hai yếu tố rào cản khiến doanh nghiệp Việt kém cạnh tranh. Đó là rào cản từ môi trường kinh doanh, chưa có nền hành chính phục vụ đúng nghĩa cho doanh nghiệp. Và rào cản tự vượt lên chính mình. Doanh nghiệp phải kinh doanh bài bản, có tư duy, sở trường.

“Doanh nghiệp chúng ta chết nhiều vì muốn lớn quá nhanh. Tôi đã xem xét và phân tích nhiều doanh nghiệp, có những doanh nghiệp nhạy bén trên thị trường nhưng kém trong quản trị kinh doanh, tài chính nội bộ, thiếu chuyên nghiệp mà điều này rất cần trong hội nhập”, TS. Lịch cho hay.

TS. Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội

TS. Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội

Chính vì thế, TS. Trần Du Lịch cho rằng, bước vào hội nhập Việt Nam cần phải tạo được môi trường đầu tư kinh doanh nuôi dưỡng doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể phát triển, cạnh tranh lớn mạnh, chứ ko phải èo uột như hiện nay.

“Tôi không nghĩ rằng doanh nghiệp không biết gì về hội nhập, không có sự chuẩn bị. Tôi tin họ biết mình phải cạnh tranh với ai, cạnh tranh như thế nào nhưng vấn đề ở đây là doanh nghiệp cần có chính sách trong nước nuôi dưỡng để họ có thể cạnh tranh được, điều này từ cơ quan nhà nước, người làm chính sách chứ không phải từ doanh nghiệp”, ông Lịch nói.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng kiến nghị“Chúng ta bàn về hội nhập, kể thách thức, cơ hội nhiều nhưng dường như chúng ta chỉ kể và dừng lại đó mà không biến thành áp lực cho bộ máy nhà nước. Phải có áp lực để biến cơ hội thành chính sách, giúp doanh nghiệp tận dụng được. Nếu bộ máy không làm được phải chịu trách nhiệm”.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Văn Đức Mười,Tổng giám đốc Vissan chia sẻ, hiện nay môi trường kinh doanh đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa đủ.

“Cải cách hành chính ở đây không chỉ giảm số giờ hay giấy tờ thủ tục mà phải thay đổi từ hành chính quản lý sang hành chính phục vụ, thay đổi thái độ phục vụ. Doanh nghiệp cần cơ chế mới, động lực mới để có doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt những doanh nghiệp mới”, ông Mười bày tỏ.

Còn CEO của Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ cho rằng, hiện nay đang mất cân đối, phát triển không đồng đều giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp trong nước vẫn không thể tạo liên kết, làm công nghiệp hỗ trợ cho các DN này.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho rằng lâu nay chúng ta đang có thực trạng ưu đãi ngược cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Tuyển, cần có chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhưng cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng nếu không sẽ tồn tại nguy cơ 2 nền kinh tế trong một quốc gia bởi doanh nghiệp Việt còn nhỏ, yếu và chưa liên kết được với doanh nghiệp FDI.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết, trong thời gian qua, việc kết nối giữa hai khối DN FDI và DN trong nước vẫn còn nhiều hạn chế. Làm sao bước vào 2016, hai khối doanh nghiệp có nhiều tiếng nói chung, có sự kết nối chặt chẽ, cạnh tranh mang tính hỗ trợ, xây dựng, phát triển chứ không để tình trạng một nền kinh tế có hai khu vực kinh tế có và có sự cạnh tranh mang tính tách biệt.

Theo Diệu Thùy

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên