MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Khó không có nghĩa là bỏ cuộc!

Tập đoàn Samsung vừa đưa ra danh sách 170 linh phụ kiện cần cho các sản phẩm của Samsung tại Việt Nam.

Thông tin trên khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam hào hứng với giấc mơ trở thành nhà cung cấp cho tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Nhưng xem ra mọi chuyện lại không đơn giản!

Tại Hội thảo Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức mới đây, lãnh đạo Samsung Việt Nam cho biết, sẵn sàng kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nếu đáp ứng đủ các tiêu chí.

Cụ thể, theo ông Jang Hoyoung - Tổng giám đốc Bộ phận mua hàng của Samsung Electronics Việt Nam, 8 tiêu chí, bao gồm: công nghệ, chất lượng, sự đáp ứng, giao hàng, giá cả, môi trường, tài chính và luật. Có nghĩa là, DN phải chứng minh được năng lực công nghệ thông qua các bằng sáng chế, có cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển, sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, vệ sinh môi trường và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu nhanh của Samsung khi cần thiết…

Với 8 tiêu chí này, không chỉ riêng các DN 100% vốn Việt Nam mà nhiều DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng khẳng định: khó có thể đáp ứng được.

Bà Nguyễn Thị Tuyển- Phó trưởng Phòng kinh doanh Công ty TNHH điện tử Tabuchi Việt Nam (Bắc Ninh) - nhấn mạnh: Công ty cũng chỉ đáp ứng được 7/8 tiêu chí của Samsung đưa ra, trừ tiêu chí giá cả là không đạt, thì các công ty Việt Nam khác khó mà đáp ứng đủ.

Không chỉ các DN thấy khó mà bản thân các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cho biết, để đáp ứng được 8 tiêu chí của Samsung ngay lúc này là không dễ đối với các DN Việt Nam. Khó, nhưng đại diện nhiều DN và các chuyên gia vẫn cho rằng, các DN Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội trở thành một phần trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu của Samsung.

Bởi nếu bỏ lỡ cơ hội này thì không chỉ ngành CNHT của Việt Nam sẽ mãi kém phát triển mà bản thân các DN Việt Nam cũng không được “cọ sát” và không thể “lớn” lên được.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - thừa nhận: Nếu “chùn bước” có nghĩa là ngành CNHT sẽ kém phát triển và Việt Nam khó trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 như mục tiêu đặt ra.

Đặc biệt, theo ông Trương Thanh Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương): Ngay lúc này, các DN Việt Nam chưa thể đáp ứng được đủ 8 tiêu chí của Samsung đưa ra để trở thành nhà cung cấp cấp 1, nhưng có thể đáp ứng được một số tiêu chí nên có thể trở thành nhà cung cấp 2, 3 hoặc cấp 4 của Samsung tùy theo khả năng của mình. Rồi dần hoàn thiện các tiêu chí để trở thành nhà cung cấp 1 cho Samsung cũng chưa muộn.

Theo ông Hoài, đây không chỉ là cơ hội cho các DN Việt mà còn là cơ hội cho ngành CNHT tại Việt Nam, vì thế, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, bản thân các DN cũng cần tự nỗ lực, hoàn thiện mình.

>>>Công nghiệp hỗ trợ: Bao giờ chấm dứt thập kỷ “tay không”?

Theo Nguyễn Hòa

cucpth

Báo Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên