MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phê chuẩn tuyến đường sắt xuyên 6 quốc gia Mêkông

Hiện nay, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là có chung một hệ thống đường sắt, trong khi Lào không có hệ thống nào.

Giới chức thuộc 5 quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc hôm qua 20/8 đã phê chuẩn dự án đầy tham vọng nhằm thiết lập tuyến đường sắt kết nối 300 triệu dân sống quanh dòng sông Mêkông, một trong những sông lớn nhất thế giới.

Kế hoạch của Ngân hàng Phát triển châu Á xem xét thiết lập 4 đường sắt trong vùng

Bộ trưởng các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Mianmar, Thái Lan và Việt Nam đang có mặt tại Hà Nội để dự một hội nghị kéo dài 2 ngày dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á.

Đứng đầu nghị trình của hội nghị là một cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)về hệ thống đường sắt tại Đông Nam Á nhằm mục đích giúp các nước này có một hệ thống hợp nhất để dễ dàng vận chuyển người và hàng hóa nối liền các khu vực trong vùng.

Hiện nay, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là có chung một hệ thống đường sắt, trong khi Lào không có hệ thống nào.

Kế hoạch của ADB xem xét việc thiết lập 4 đường trong vùng này nhưng tuyến đường khả quan nhất là chạy từ Bangkok đến Phnom Penh, qua thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và đến hai thành phố Nam Ninh cùng Côn Minh của Trung Quốc. Tuyến đường này chủ yếu sử dụng các đường sắt sẵn có hoặc đã được khởi công xây dựng.

“Chúng tôi cho rằng có thể thực hiện một trong những tuyến đường trên vào năm 2020”, Lawrence Greenwood, phó chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận “ đây là một dự án táo bạo và đầy tham vọng’.

Theo kế hoạch được phê chuẩn, đoạn khuyết duy nhất hiện nay trong tuyến đường là đoạn nằm giữa thành phố Hồ Chí Minh và Phnom Penh, có phí hoàn thành ước tính lên tới 1,09 tỷ USD. Con số này còn chưa bao gồm thêm khoảng 7 tỷ USD cho việc nâng cấp các tuyến đường sắt hiện tại.

Cũng theo bản kế hoạch, tới năm 2025, ước tính 3,2 triệu khách và 23 triệu tấn hàng hóa được chuyên chở trên tuyến đường đầy tham vọng trên.

ADB cho rằng mục tiêu thiết lập tuyến đường sắt trên trùng với nỗ lực của các quốc gia Mêkông hiện nay, đó là phát triển “các hành lang kinh tế” quanh các kết nối đường mới, nhằm hỗ trợ cho nhau và giúp giảm nghèo đói.

Tuyên bố chung của các bộ trưởng các nước liên quan cho biết, để tạo được các hành lang đầu tư và phát triển cần phải có các tiến trình chung về vận tải và thương mại qua biên giới. Trong khi đó, các lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia khác nhận xét hiện vẫn còn quá nhiều rào cản quan liêu để dòng hàng hóa được tự do trao đổi trong vùng.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Tiểu vùng sông Mêkông (GMS), các bộ trưởng đã có nhất trí quan trọng về kế hoạch giải quyết các hoạt động biên giới, kế hoạch được Australia hỗ trợ 6 triệu USD.

GMS là một chương trình do ADB hỗ trợ, bắt đầu khuyến khích phát triển từ 18 năm trước bằng cách thông qua các mối liên hệ kinh tế giữa Campuchia, Lào, Mianmar, Việt Nam và Thái Lan cũng như tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.

Bộ trưởng thương mại Campuchia Cham Prasidh cho biết tuyến đường sắt xuyên 6 quốc gia trên giúp việc vận chuyển hàng hoá giữa các nước Mêkông và lớn hơn là giữa các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rẻ hơn.

Nhưng ông cho biết, trong khi các quốc gia quanh sông Mêkông đang thắt chặt kết nối giao thông và các mối liên hệ khác thì họ lại bỏ quên mất trái tim của vùng, đó chính là bản thân dòng sông.

Ông Cham Prasidh cho rằng tiềm năng của dòng sông dài 4.800 vẫn chưa được phát huy hết khi khu vực phát triển các hành lang kinh tế. “Nhưng chúng ta quên mất trái tim của vùng và dòng sông Mêkông chính là trái tim. Chúng ta cần phát triển trái tim trước đã”, ông đề xuất.

Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Việt Nam Võ Hồng Phúc, đồng chủ tịch hội nghị GMS cùng với ông Greenwood, cho biết ADB đã được yêu cầu chuẩn bị một nhóm làm việc “nhằm đưa ra đánh giá thích hợp việc sử dụng sông Mêkông”. Ông cũng cho biết nguồn tài nguyên nước lại nằm dưới sự quản lý của một cơ quan khác, đó là Ủy ban sông Mêkông.

Mặc dù đang có tốc độ phát triển rất nhanh, nhưng các quốc gia Mêkông, ngoại trừ Thái Lan, lại có bình quân GDP/đầu người thấp nhất trong 10 nước thành viên ASEAN.

Theo Phan Anh

Dân trí /AFP, AP

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên