MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phiên họp thứ 17 UBTVQH: Đề nghị bổ xung giám sát tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty

Ngày đầu tiên phiên họp thứ 17 (9/4/2013), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2014.

Trong ngày đầu tiên phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có nhiều ý kiến đề nghị về nội dung tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước;Quản lý, sử dụng tài sản công, chính sách đầu tư công; tính hiệu quả sử dụng vốn của một số ngành, công trình trọng điểm như điện lực, dự án bô-xít...

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đơn vị này đã tổng hợp ý kiến đề nghị của các cơ quan về nội dung giám sát theo chuyên đề. Theo đó, đến ngày 1/4/2013, trong tổng số 77 cơ quan cần xin ý kiến, Văn phòng Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 64 cơ quan với 205 nội dung kiến nghị, tập trung vào 7 nhóm vấn đề lớn.

Trong những nhóm vấn đề lớn được dư luận quan tâm bao gồm việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, công tác quy hoạch sử dụng đất, thủy điện; tái cấu trúc nền kinh tế; quản lý, sử dụng tài sản công, chính sách đầu tư công; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tính hiệu quả sử dụng vốn của một số ngành, công trình trọng điểm, chương trình mục tiêu, hạ tầng giao thông; công tác đấu thầu...

Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị về nội dung tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công, chính sách đầu tư công; tính hiệu quả sử dụng vốn của một số ngành, công trình trọng điểm như điện lực, dự án bô-xít.

Nhóm nội dung thứ hai tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tổ chức và hoạt động của hệ thống ngân hàng, quản lý thị trường vàng, việc xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; quản lý giá và kết quả thực hiện bình ổn giá.

Nổi lên là các ý kiến về xử lý, khắc phục nợ xấu của ngân hàng, công tác quản lý giá và thực hiện các biện pháp bình ổn giá.

Nhóm thứ ba tập trung vào việc thực hiện chính sách pháp luật về các chương trình đầu tư cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; đặc biệt là việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

“Căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội, trong năm 2014, Văn phòng Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng dân tộc giám sát 2-3 chuyên đề, các Ủy ban giám sát 1-2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội”, ông Phúc cho biết.

Tại kỳ họp thứ 7, dự kiến được tổ chức vào tháng 5-6/2014, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Xem xét báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn các thành viên Chính phủ; Tiến hành chất vấn một số thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về hoạt động chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách.

Đặc biệt, trong giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét, chọn một trong hai nội dung: công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống sân bay, cảng biển tại các địa phương; việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình thuỷ điện để báo cáo trước Quốc hội.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung giám sát thêm những vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội Ksor Phước cho rằng, vẫn còn một số vấn đề bức xúc nếu không quan tâm đúng mức sẽ gây hậu quả khôn lường. Đó là đối phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vấn đề lớn đã có chủ trương sớm nhưng quá trình thực hiện rất lúng túng. Quốc hội cần có giám sát về triển khai thực hiện vấn đề này nhất là vùng nước biển ngập mặn, nước biển dâng.

Bên cạnh đó là lĩnh vực nông nghiệp giữa mục tiêu dành 3,8 triệu và 3,3 triệu ha đất cho trồng lúa. Thực tế hiện nay nhiều địa phương phá vỡ khung 3,8 triệu ha, “Quốc hội cũng cần giám sát việc này ra sao để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”, ông Ksor Phước đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - ông Nguyễn Văn Giàu đề xuất Quốc hội cần có giám sát chuyên đề chính sách pháp luật về phát triển năng lượng để góp phần phát triển kinh tế bền vững. Bởi theo ông, phát triển năng lượng quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Nếu giám sát được sẽ có cái nhìn toàn diện hơn nhất là đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế bền vững.

“Tôi đề xuất giám sát như vậy bởi vì nó là vấn đề lớn hơn những vấn đề đang được đặt ra. Nó giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế xã hội góp phần phát triển bền vững”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.

Cơ bản nhất trí với tờ trình của Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, những chuyên đề giám sát được trình đã đề cập đến những vấn đề quan trọng được nhân dân cả nước quan tâm. Tuy nhiên, thực tế trong số các cơ quan xin ý kiến có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế.

“Trong giám sát chuyên đề của mình đều là những vấn đề quan trọng nhưng chuyên đề giám sát tái cơ cấu nền kinh tế chưa có chuyên đề nào. Đặc biệt là việc giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các NHTM. Đây là nội dung rất quan trọng, nên chăng cần đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội hội trong năm tới”, ông Hiện đề xuất.

Theo Dương Công Chiến

cucpth

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên