MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Càng ít doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước càng tốt

Dự thảo Nghị định mới về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước đang được đưa ra để lấy ý kiến với nhiều quy định mới để làm giảm số lượng doanh nghiệp nắm giữa 100% vốn Nhà nước

Tại buổi họp của Thường trực Ban chỉ đạo cho ý kiến về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu cần thu hẹp diện doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn Nhà nước.

Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành quyết định về sắp sếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, song việc Nhà nước vẫn nắm giữ lượng cổ phần quá lớn đã làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do không thay đổi được quản trị doanh nghiệp và làm thay đổi trong tiêu chí phân loại DNNN.

Nhiều ngành nghề giảm tỷ lệ vốn Nhà nước

Với Dự thảo Quyết định mới, đã đưa ra quy định danh mục phân loại DNNN gồm: Những doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ; những doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần trở lên và những doanh nghiệp nắm giữ trên 50% tới dưới 65% tổng số cổ phần.

Như vậy, với dự thảo mới, cách phân loại doanh nghiệp nắm giữ tỉ lệ vốn Nhà nước sẽ thay đổi, không còn doanh nghiệp nắm giữ từ 75% vốn Nhà nước trở lên và loại doanh nghiệp nắm giữ từ 65% tới 75% vốn Nhà nước.

Dự thảo Quyết định mới cũng điều chỉnh một số ngành trong danh mục. Cụ thể, danh mục do Nhà nước nắm giữ 100% vốn đã bỏ các ngành: “Sản xuất cung ứng hóa chất độc”, “Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”.

Đối với danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ trên 65% tổng số cổ phần, dự thảo Quyết định chuyển “doanh nghiệp bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa”, “vận chuyển hàng không”, “sản xuất thuốc lá điếu”, “cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng” từ danh mục Nhà nước nắm giữ từ 65% đến dưới 75% (tại Quyết định 37) sang danh mục Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần (tại dự thảo Quyết định thay thế).

Dự thảo cũng loại bỏ “quản lý khai thác cảng biển tổng hợp quốc gia và cửa ngõ quốc tế”, “chế biến dầu mỏ và khí tự nhiên”, “bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia” và “quản lý bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa”, “bán buôn thuốc phòng, chữa bệnh”.

Đối với danh mục do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65%, dự thảo loại bỏ ngành “sản xuất vaccine sinh phẩm y tế, vaccine thú y”, “sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”, “điều tra cơ bản về địa chất, khí tượng thủy văn; khảo sát, thăm dò, điều tra về tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các loại tài nguyên thiên nhiên”,

“Sản xuất, lưu trữ giống gốc cây trồng vật nuôi; trồng và chế biến cao su, cà phê, trồng và quản lý rừng trồng tại đại bàn không gắn với quốc phòng, an ninh”, “vận tải biển, vận tải đường sắt”, “sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích”.

Tuy nhiên, đại diện một số bộ ngành cho rằng đối với một số ngành cần làm rõ tên gọi các ngành để xác định rõ những lĩnh vực nào cần cổ phần hóa, những lĩnh vực nào Nhà nước phải nắm 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, ngành nghề “bảo đảm hàng hải” thì Nhà nước phải nắm 100% vốn điều lệ cũng chưa hẳn chính xác, theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT. Ông Nhật cho rằng trong ngành này, Nhà nước chỉ cần nắm giữ lĩnh vực “hoa tiêu”, còn lại có thể cổ phần hóa để tư nhân tham gia.

Hoặc ngành “khai thác khoáng sản quy mô lớn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần ghi rõ các mức độ trữ lượng khoáng sản để tránh việc “có loại khoáng sản lớn với địa phương nhưng nhỏ so với quy mô trữ lượng quốc gia sẽ dẫn đến sai sót trong cổ phần hóa các doanh nghiệp này”.

Tăng cường sự tham gia của tư nhân mua vốn Nhà nước

Trên cơ sở đó, việc thực hiện cổ phần hóa để thu hẹp DNNN là nhiệm vụ cần phải được đẩy nhanh trong thời gian tới theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Phải đẩy mạnh việc thu hẹp DNNN, để doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn Nhà nước càng ít càng tốt”.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các bộ chuyên ngành để tiếp tục phân loại, rà soát kỹ các lĩnh vực trong mỗi ngành để cổ phần hóa, thoái vốn, tăng cường hơn nữa sự tham gia của khối tư nhân vào sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến đề xuất ban hành danh mục các DNNN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, Phó Thủ tướng cho rằng do thực tiễn cổ phần hóa của mỗi bộ, ngành, lĩnh vực là khác nhau nên việc thực hiện sẽ rất phức tạp. Do đó, ngành nào thấy cần giữ cổ phần chi phối ở một lĩnh vực nào thì phải có báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm sự linh hoạt trong cổ phần hóa, thoái vốn.

Đối với việc giảm tỉ lệ cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị không cần thiết phải giảm nhanh vốn Nhà nước. “Trước hết có thể giảm tỉ lệ nhà nước nắm vốn xuống các mức quy định một thời gian nếu thấy ổn sẽ cho hạ tiếp”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị.

Linh Ngọc

Chính phủ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên