MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Q&A: Toàn cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU

Được đánh giá là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) chất lượng cao, FTA Việt Nam – EU được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội hợp tác sâu rộng hơn cho các DN trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư…

10 nội dung quan trọng nhất của FTA Việt Nam - EU vừa được EU và Bộ Công Thương Việt Nam công bố, bao gồm những thỏa thuận về thuế quan, phi thuế quan, đầu tư, chỉ dẫn địa lý, mở cửa thị trường dịch vụ…

Q: Có bao nhiêu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được lợi từ FTA?

A: Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Q: EU có cam kết gì với các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam?

A: Dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Cá ngừ đóng hộp sẽ được áp hạn ngạch thuế quan.

Gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm cũng được áp hạn ngạch. Gạo nhập khẩu theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn. Riêng gạo tấm, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Sản phẩm từ gạo sẽ được thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm.

EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với mật ong và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh: về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

EU cũng sẽ xóa bỏ thuế với thời gian dài hơn (lên đến 7 năm) đối với một vài mặt hàng nhạy cảm, đặc biệt là đối với hàng may mặc và giày dép. Song EU đặt ra những tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa.

Q: Việt Nam cam kết gì với hàng xuất khẩu của EU?

A: Xe mô tô động cơ hơn 150 cc sẽ được tự do hóa sau 7 năm và xe ô tô sau 10 năm. Ngoại trừ những loại xe có phân khối lớn (trên 3000cc đối với xe tiêu thụ xăng và trên 2500cc đối với động cơ diesel) sẽ được tự do hóa sớm hơn 1 năm.

Phụ tùng xe ô tô sẽ được miễn thuế sau 7 năm. Một nửa các loại dược phẩm của EU sẽ được miễn thuế vào thời điểm có hiệu lực và phần còn lại sẽ được miễn thuế sau 7 năm.

Hầu hết tất cả các hàng hóa xuất khẩu là máy móc, thiết bị của EU sẽ được tự do hóa hoàn toàn ngay khi hiệp định có hiệu lực. Những hàng hóa còn lại sau 5 năm.

Toàn bộ hàng dệt may của EU sẽ được tự do hóa ngay khi FTA có hiệu lực.

Gần 70% sản phẩm từ hóa học sẽ được miễn thuế vào thời điểm có hiệu lực và phần còn lại sẽ được miễn thuế sau 3, 5 hoặc 7 năm.

Việt Nam cũng sẽ mở rộng thị trường đối với hầu hết các loại thực phẩm của EU, bao gồm cả thức ăn tươi sống và đồ ăn đã qua chế biến, hàng hóa chất lượng cao.

Q: Các hàng rào phi thuế quan mà Việt Nam dỡ bỏ cho hàng hóa châu Âu là gì?

A: Việt Nam cam kết tăng cường hơn việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS).

Các loại hàng hóa bao gồm thiết bị điện, công nghệ thông tin, và thực phẩm, đồ uống của EU cũng thuận lợi hơn khi tiếp cận thi trường Việt Nam.

Lĩnh vực máy móc tự động được xóa bỏ sau 5 năm.

Việt Nam cũng chấp nhận dán nhãn xuất xứ “Made in EU” đối với hàng hóa phi nông nghiệp, trừ các loại dược phẩm.

Q: Các cam kết về chỉ dẫn địa lý là gì?

160 sản phẩm đồ ăn và đồ uống của châu Âu được Việt nam chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Việt Nam có 39 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại châu Âu, chủ yếu là nông sản, thực phẩm.

Q: Cam kết về mua sắm Chính phủ được thỏa thuận như thế nào?

A: Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu…. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.

Một số lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng (đường xá và cảng); đầu tư của các DNNN; 34 bệnh viện công; đầu tư tại hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Q: FTA Việt Nam – EU mang lại lợi ích gì cho các nhà đầu tư?

A: Thiết lập sân chơi bình đẳng giữa DNNN và DN ngoài nhà nước thông qua quy tắc về sự minh bạch. Các quyền sở hữu trí tuệ, quyền sáng chế trong lĩnh vực y dược được chú trọng.

Q: Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ trong các lĩnh vực nào?

A: Việt Nam mở cửa thị trường cho các lĩnh vực dịch vụ như môi trường; bưu điện và chuyển phát; dịch vụ ngân hàng; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ vận chuyển đường biển.

Q: Các cam kết của Việt Nam cho các đầu tư EU?

A: Cam kết mở rộng đầu tư sản xuất trong một số lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống; phân bón và hỗn hợp ni tơ; săm lốp xe; tất len và đồ nhựa; đồ gốm; vật liệu xây dựng. Trong lĩnh vực máy móc, Việt Nam xóa bỏ giới hạn về lắp ráp các phương tiện hàng hải và máy móc nông nghiệp, thiết bị trong nước và phụ tùng xe đạp.

Q: FTA giải quyết các tranh chấp và những vấn đề liên quan như thế nào?

Hiệp định tạo ra một khuôn khổ để giải quyết các tranh chấp trong tương lai, áp dụng cho hầu hết các lĩnh vực, với các quy tắc cho phép sự hòa giải.

Ngoài ra, các thỏa thuận như phát triển bền vững, tiêu chuẩn lao động; môi trường; trách nhiệm xã hội; trách nhiệm về biến đổi khí hậu và bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học…

San Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên