MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý nợ công ở Việt Nam: Không giống ai?

Có nhiều câu hỏi về nợ công chưa được trả lời hoặc trả lời chưa thấu đáo, như: Nợ công của nước ta hiện nay là bao nhiêu? Nợ công trong “ngưỡng an toàn” hay đã trong tình trạng “báo động đỏ”?

 Vì sao các số liệu về nợ công của Việt Nam không thống nhất? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là khái niệm về nợ công của Việt Nam hiện nay còn xa lạ với thông lệ quốc tế.

Khoản 2 Điều 1 Luật Quản lý nợ công năm 2009, nợ công ở Việt Nam được quy định như sau: “Nợ công được quy định trong luật này bao gồm: Nợ chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ chính quyền địa phương”. Đó lại là một khái niệm... không giống ai. Bởi, khái niệm về nợ công phổ biến của quốc tế có phạm vi rộng hơn nhiều.

Theo Hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính của UNCTAD, nợ công không chỉ bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương mà còn bao gồm các nghĩa vụ nợ của ngân hàng trung ương, các đơn vị trực thuộc chính phủ, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở tất cả các cấp chính quyền và một số khoản nợ ngầm định khác.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nợ công còn phải bao gồm nợ của các tổ chức tự chủ, các DN tài chính và phi tài chính, ngân hàng thương mại và phát triển, công ty công ích... thỏa mãn một trong các điều kiện: Ngân sách của các tổ chức này phải được chính phủ phê duyệt; Chính phủ/nhà nước sở hữu trên 50% hoặc có đại diện chiếm hơn 50% thành viên ban giám đốc; trong trường hợp các tổ chức này mất khả năng thanh toán, nhà nước phải chịu trách nhiệm về nợ của các tổ chức đó.

Bội chi ngân sách thường xuyên tăng; các khoản vay của Chính phủ cho các dự án, công trình trọng điểm, cho các DNNN vay lại... được sử dụng kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí, tham nhũng; hiệu lực của các luật có liên quan tới quản lý nợ công không nghiêm... là nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng cao.

Hơn nữa, theo WB, khoản mục DNNN tự vay và tự trả không được tính vào nợ công là bất hợp lý, bởi DNNN là DN do nhà nước góp toàn bộ số vốn điều lệ hoặc nắm cổ phần, vốn góp chi phối. Ngoài ra, UNCTAD tính cả nợ lương hưu trong khoản nợ Chính phủ vào nợ công, còn Việt Nam thì dường như “lãng quên”.

Do có khái niệm riêng nên số liệu về nợ công ở Việt Nam thường thiếu thống nhất. Chẳng hạn, ngày 27/3/2013, đồng hồ nợ công thế giới (The global debt clock- GDC) của Tạp chí The Economist điểm nợ công của Việt Nam vượt con số 80 tỷ USD, với tổng dư nợ cả năm tăng 11,2%, chiếm 48% GDP. Tỷ lệ nợ công của Việt Nam năm 2013 mà GDC đưa ra là 49,3% GDP (theo định nghĩa của IMF), nhưng theo Bộ Tài chính thì tới 55,7% GDP.

Nhiều chuyên gia tài chính và một số tổ chức tài chính quốc tế cho rằng: Nếu tính cả nợ tiềm ẩn của DNNN thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam có thể trên 100% GDP, vượt xa so với ngưỡng nợ công 65% GDP được đặt ra trong chiến lược phát triển tài chính đến năm 2020. Nếu xác định nợ công bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ (cả trung ương, địa phương và DNNN); nợ để chi và nợ bảo lãnh; nợ ngân hàng, nợ qua phát hành giấy nợ như trái phiếu... thì nợ công Việt Nam hiện nay xấp xỉ 106% GDP.

Đặt ra khái niệm riêng của Việt Nam về nợ công để có chỉ tiêu nợ công/GDP “đẹp” là không hợp lý và không cần thiết. Hơn nữa, với khái niệm về nợ công “không giống ai” trong công tác quản lý nợ công, Việt Nam sẽ là “một mình một chợ” và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi thực trạng về nợ công không được đánh giá đúng.

>>>Giám sát nợ công khó đến mức nào?


Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền

cucpth

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên