MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý vay nợ, bội chi của địa phương: Cần những 'cái phanh'

Dự kiến có hiệu lực từ năm ngân sách 2017, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 mới được ban hành đã có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng phân cấp địa phương, đồng thời quy định về mức vay nợ, bội chi của các địa phương.

Xung quanh chủ đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu (ĐB) Quốc hội Lê Nam, Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Là một ĐB Quốc hội rất quan tâm và đã đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng Luật NSNN năm 2015, ông đánh giá thế nào về những nội dung mới quan trọng của Luật?

Sau quá trình tiếp thu ý kiến, hoàn thiện, Luật NSNN năm 2015 đã được bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung theo hướng nâng cao vai trò, tính tự chủ của chính quyền địa phương, giúp công tác ngân sách ngày càng minh bạch.

Đồng thời, khi quyền quyết định về ngân sách được giao cho địa phương nhiều hơn thì địa phương phải có trách nhiệm hơn, tiết kiệm hơn đối với từng khoản chi, khắc phục tâm lý tiền được cấp, tiền chùa.

Một điều rất quan trọng nữa là khi tăng cường phân cấp về địa phương, để địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thì cũng hạn chế từng bước tư duy nhiệm kỳ, tư duy dự án, chạy vốn… hạn chế những bất cập trong phân bổ ngân sách hiện nay.

Luật NSNN năm 2015 đã có quy định cho phép địa phương được vay, được bội chi, theo ông, điều này tạo điều kiện thế nào cho các địa phương?

Những quy định này giúp cho địa phương chủ động hơn trong tìm kiếm nguồn lực, sao cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của mình.

Tuy nhiên, khi Luật có hiệu lực, cũng phải quan tâm đến việc hướng dẫn thực hiện, nhằm hạn chế việc có những địa phương làm vượt khả năng, hoặc đầu tư không thiết thực, gây lãng phí… Vì vậy, rất cần có những “cái phanh”, những ràng buộc, chế định để ngăn chặn hiện tượng này.

Ngoài ra, cũng cần những việc hướng dẫn thực hiện cụ thể, nhằm hạn chế việc có những địa phương làm vượt khả năng, hoặc đầu tư không thiết thực, gây lãng phí.

Thưa ông, trong Luật NSNN cũng đã có những quy định để ràng buộc, giới hạn mức vay, bội chi ở các địa phương. Vậy những quy định này có đủ hay không?

Đúng vậy, các nhà làm luật cũng đã dự báo về điều này và đưa ra các quy định, giới hạn trong Luật NSNN. Tuy nhiên, vẫn nên có thêm những quy định về trình tự, thủ tục, về tổ chức triển khai thực hiện sao cho đúng luật, không làm tăng nợ công, gây lãng phí, thất thoát ngân sách, nhất là khi nợ công hiện nay của chúng ta đã gần đến ngưỡng giới hạn.

ĐB Lê Nam - Phó trưởng đoàn ĐB tỉnh Thanh Hóa

Bên cạnh những khía cạnh tích cực, việc để địa phương chính quyền tự quyết định, tự phát hành, tự vay có thể dẫn đến sự lãng phí, tiêu cực… Do đó, về mặt chuyên môn, rất cần có cơ chế ràng buộc để tránh phát sinh tiêu cực.

Để triển khai hiệu quả Luật NSNN mới, ông quan tâm đến vấn đề gì?

Luật nào cũng vậy, khi đã ban hành thì đều có những nội dung để đảm bảo luật được đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, luật có đi vào cuộc sống được hay không còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan triển khai tổ chức thi hành luật.

Nhất là khi Luật NSNN là luật chuyên ngành, có tính chất chuyên môn cao, quyết định về ngân sách quốc gia là lĩnh vực rất nhạy cảm. Vì vậy, đòi hỏi có sự quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch…

Các bộ, ngành phải có kế hoạch triển khai, có văn bản dưới luật, chế định chặt chẽ. Từng điều khoản của luật trong quá trình quản lý, sử dụng, phân cấp, phải có quy định cụ thể hơn, đảm bảo cho Luật đi vào cuộc sống hiệu quả. Nếu chúng ta không làm chặt chẽ, chỉ dựa vào mỗi luật, thì trong triển khai sẽ có những hệ quả khó lường.

Một yêu cầu luôn được nhấn mạnh trong quản lý ngân sách là hạn chế lãng phí, đây là vấn đề đang nhức nhối nhưng cũng rất khó định lượng. Theo ông, cần làm gì để hạn chế tình trạng này?

Lãng phí là một trong những vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay. Các cụ hay nói “Ăn một phá mười”, tác hại của lãng phí còn nghiêm trọng hơn nhiều so với tham nhũng. Để ngăn chặn thì trước hết thiết chế phải nghiêm. Luật NSNN vừa ban hành tôi cho rằng đã có những điều chỉnh tốt.

Mặc dù vậy, một điều đáng suy nghĩ là về chế độ chính sách hiện nay. Căn cứ để Luật NSNN đi vào cuộc sống, để đảm bảo quản lý tài chính là chế độ chính sách. Tuy nhiên, nhiều chế độ chính sách của chúng ta chưa theo kịp sự đổi mới trong quản lý.

Theo tôi, phải sớm xem xét chỉnh sửa nhiều chế độ chính sách, để đảm bảo cho người quản lý ngân sách hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời tránh thất thoát, lãng phí. Đây là một trong những điều quyết định trong việc đảm bảo tiết kiệm, phòng chống lãng phí.

Xin cảm ơn ông!

Theo H.Y

Thời báo Tài chính Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên