MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng Ninh dồn sức hút vốn đầu tư vào các KCN - KKT

Lũy kế đến hiện tại, các KCN, KKT Quảng Ninh có 46 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,3 tỷ USD,chiếm khoảng 50% số dự án và 28,3% tổng vốn FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh.

Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Quảng Ninh có 11 KCN, 1 KKT ven biển và 3 KKT cửa khẩu.

Tính đến nay, đã có 4 KCN đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, có mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

Vài năm trở lại đây, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Quảng Ninh đã cho thấy sự khởi sắc đáng kể.

Lũy kế đến nay, các KCN, KKT trên địa bàn hiện có trên 1.300 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động, trong đó có 177 doanh nghiệp thực hiện dự án và được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 32,5 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, có 46 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,3 tỷ USD, chiếm khoảng 50% số dự án và 28,3% tổng vốn FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, nhiều công ty có quy mô lớn hoạt động trong các KCN đã giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh, tiêu biểu là Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty TNHH sản xuất bột mỳ Vimaflour, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long.

Các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, KKT hàng năm đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 20% tổng số thu nội địa.

Cùng với đó giải quyết được trên 8.000 việc làm cho người lao động với mức thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.

Ghi nhận của Ban quản lý các KKT Quảng Ninh, đặc biệt sau thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2012, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh nói chung và các KCN, KTT của tỉnh nói riêng có những chuyển biến rõ nét.

Số lượng các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu đầu tư tăng cả về lượng và chất với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia với tiềm năng tài chính mạnh đến tìm hiểu và thực hiện đầu tư vào các KCN, KKT.

Đáng chú ý trong đó như: Nhà máy sợi tại KCN Hải Yên của Tập đoàn Texhong Ngân Long; Nhà máy sản xuất dây dẫn điện tại KCN Đông Mai của Tập đoàn Yazaki; Dự án hạ tầng KCN cảng biển Hải Hà của Tập đoàn Texhong Ngân Long.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phùng Danh Đài, Trưởng ban quản lý các KKT Quảng Ninh, việc thu hút đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Đặc biệt, chưa thực sự thu hút được các dự án có tính chất động lực, hàm lượng công nghệ cao từ các nước có công nghệ hiện đại như: Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hàn Quốc.

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đến Quảng Ninh tìm hiểu nhưng vẫn chưa đầu tư, đa số vẫn chỉ mới dừng lại ở khâu nghiên cứu.

Do đó, Ban quản lý KKT Quảng Ninh đề xuất, tỉnh cần tập trung ưu tiên nguồn vốn, huy động nguồn lực để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, khu vực đảm bảo đồng bộ, hiện đại kết nối với các tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là kết nối với các đầu mối giao thông như Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh.

Đồng thời, tiếp tục đề nghị Trung ương phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Quảng Ninh, KKT Vân Đồn và KKT cửa khẩu Móng Cái.

>>>Quảng Ninh đặt mục tiêu doanh thu 1,5 tỷ USD từ du lịch vào năm 2020

Theo Vũ Minh

cucpth

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên