MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội khó thay đổi quy trình quyết định ngân sách?

Đại biểu đề nghị, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thay đổi quy trình quyết định ngân sách là “không khả thi”...

Nhiều đại biểu đề nghị, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thay đổi quy trình quyết định ngân sách là “không khả thi”.

Sửa Luật Ngân sách nhà nước sẽ là nội dung được dành nhiều thời gian hơn các dự án luật khác tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, với hai phiên thảo luận toàn thể thay vì một phiên như thường lệ.

Đây là dự án luật được coi là rất khó, trong bối cảnh kỷ luật ngân sách luôn nhận được những lời phê phán khá gay gắt tại cơ quan có quyền cao nhất thay mặt nhân dân quyết định việc tiêu tiền và kiếm tiền của đất nước là Quốc hội.

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến chi ngân sách “mềm” đến tùy tiện, như nhận xét của nhiều đại biểu là do quy trình quyết định chưa hợp lý, cập rập từ khâu trình đến thẩm tra và xem xét quyết định.

Bởi vậy, cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 (tháng 11/2014)  nhiều vị đại biểu đã đề nghị Quốc hội quyết định ngân sách qua hai kỳ họp. 

Cụ thể, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, cơ cấu chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, một số lĩnh vực. 

Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm Chính phủ báo cáo về dự toán thu, chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể ngân sách Trung ương cũng như dự toán ngân sách nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định.

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) vừa được gửi xin ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thừa nhận việc quyết định ngân sách theo quy trình qua hai kỳ họp sẽ giúp việc xây dựng dự toán được khoa học, chất lượng hơn.

Việc thay đổi quy trình, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng sẽ phát huy vị trí, vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, hội đồng nhân dân theo tinh thần Hiến pháp, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban nhân dân… 

Tuy nhiên, quy định qua 2 kỳ họp là không khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.

Lý do không khả thi được nêu tại báo cáo là, theo quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, Quốc hội một năm chỉ họp 2 kỳ. Tại kỳ họp giữa năm (tháng 5, tháng 6), Quốc hội không quyết định về khung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và khung ngân sách cho năm sau. 

Trường hợp điều chỉnh lại quy định để giao Quốc hội quyết định về khung ngân sách cùng với khung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp giữa năm, đòi hỏi công tác dự báo phải có bước cải thiện lớn, chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính – ngân sách nhà nước có tính ổn định cao. 

Với những lý do trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như quy trình hiện hành. 

Song, để nâng cao chất lượng của công tác xây dựng, quyết định dự toán ngân sách nhà nước thì dự thảo luật mới đã điều chỉnh thời gian lập dự toán ngân sách sớm hơn, bắt đầu từ 1/5 (thay vì 15/5 như dự thảo luật đã trình Quốc hội). 

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch - một trong số các vị đại biểu mạnh mẽ đề nghị thay đổi quy trình quyết định ngân sách – cho biết, ông vẫn sẽ kiên trì bảo vệ quan điểm cần cần thông qua ngân sách theo hai bước.

Bởi theo đại biểu này, nếu vẫn giữ nguyên quy trình thì dự án luật sẽ không có gì đổi mới cả, cũng có nghĩa là sẽ không thể khắc phục được sự thiếu minh bạch, thiếu kỷ cương trong chi ngân sách, điều mà ông đã nhiều lần đề cập tại nghị trường.

Theo Nguyễn Lê

PV

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên