MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội thông qua 9 giải pháp thực hiện 14 chỉ tiêu năm 2016

GDP tăng 6,7%, xuất khẩu tăng 10%, chỉ số giá tiêu dùng dưới 5%... là một số chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội vừa được Quốc hội thông qua sáng ngày 10/11.

Cùng với các chỉ tiêu trên, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội khác, cụ thể:

Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% so với năm 2015.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%, trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo: 21%.

Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 24,5 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 76%.

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 85%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Quốc hội đề nghị trước hết cần điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả.

Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước bảo đảm tỷ lệ hợp.

Quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán và chi chuyển nguồn, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên. Xây dựng khung pháp lý bảo đảm thực hiện việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2016.

Thứ hai, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển. Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt nhập khẩu, có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với một số thị trường có nhập siêu lớn.

Ba là, tiếp tục triển khai Hiến pháp 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chấm dứt tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Triển khai đồng bộ quy định của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Bốn là, phát triển đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các loại thị trường, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Thực hiện cơ chế thị trường, sớm tách dịch vụ công; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Hoàn thiện các chính sách nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và bảo trì hiệu quả kết cấu hạ tầng….

Trình Quốc hội Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Thúc đẩy triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Rà soát, bổ sung chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi sự doanh nghiệp.

Hiện đại hóa, phát triển nhanh các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tái cơ cấu, xử lý sở hữu chéo và nợ xấu. Tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoạt động thực chất, an toàn, hiệu quả...

Năm là, tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người có công, người nghèo theo chuẩn nghèo mới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giải quyết tốt hơn cung cầu trên thị trường lao động….

Sáu là, tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; việc khai thác mới tài nguyên, khoáng sản phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch, cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp và các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm..

Bảy là, nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và cải cách hành chính, thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tám là, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Chín là, dự báo và nắm chắc diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại để chủ động giải quyết mọi tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên