MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc lộ 14: tăng phí, thêm trạm

Từ ngày 15-6, trạm thu phí quốc lộ 14 tại Bình Phước sẽ tăng phí gấp ba lần, chưa kể năm trạm thu phí khác sẽ lần lượt mọc lên ở các tỉnh Tây nguyên từ nay tới cuối năm 2015.

Tính ra một xe chở hàng từ các tỉnh Tây nguyên về TP.HCM sẽ gánh cả triệu đồng tiền phí. Nếu đi trên quốc lộ 14 từ Gia Lai về đến Bình Phước, các phương tiện sẽ phải qua sáu trạm thu phí với mức phí khá cao (Gia Lai hai trạm, Đắk Nông hai trạm, Đắk Lắk và Bình Phước mỗi tỉnh một trạm).

Tăng phí gấp ba lần

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa ký quyết định về việc thu phí tại trạm km2016+400 (thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) để hoàn vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (trùng với quốc lộ 14), đoạn cầu 38 - Đồng Xoài do Công ty CP Đức Thành - Gia Lai đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo đó, kể từ 0g ngày 15-6-2015, mức phí qua trạm thu phí này sẽ tăng khoảng ba lần tùy từng loại xe.

Chẳng hạn, với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn và xe vận tải công cộng sẽ tăng từ 10.000 đồng/lượt lên 30.000 đồng/lượt; xe từ 12 - 30 ghế, xe tải từ 2 - 4 tấn tăng từ 15.000 đồng/lượt lên 40.000 đồng/lượt (gấp 2,6 lần); với xe từ 31 ghế trở lên, xe tải từ 4 - 10 tấn tăng từ 22.000 đồng/lượt lên 65.000 đồng/lượt (gấp 2,95 lần). Đặc biệt, với các loại xe tải nặng mức phí tăng “chóng mặt”.

Với xe tải 10 - 18 tấn, xe container 20 feet sẽ tăng lên 120.000 đồng/lượt so với mức 40.000 đồng/lượt trước đó; xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet cũng sẽ tăng từ 80.000 đồng/lượt lên 180.000 đồng/lượt.

Bộ GTVT cho biết căn cứ để tăng phí là do chủ đầu tư dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn cầu 38 - Đồng Xoài đã hoàn thành công trình và được nghiệm thu từ tháng 5-2015. Bộ Tài chính cũng đã đồng ý việc tăng phí.

Đặc biệt, theo thông tư của Bộ Tài chính, từ ngày 1-1-2016 chủ đầu tư sẽ tiếp tục được tăng phí với mỗi loại xe tăng 5.000 - 20.000 đồng nữa. Vì vậy, mức phí cao nhất sau ngày 1-1-2016 sẽ tăng lên 200.000 đồng/lượt, áp dụng cho xe tải trên 18 tấn và container 40 feet.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù tới tháng 5-2015 dự án này mới hoàn thành nhưng từ năm 2010, chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Bình Phước giao trạm thu phí nói trên (trạm thu phí này đã có từ khi xây dựng quốc lộ 14 cũ).

Vào cuối năm 2012 từng xảy ra chuyện UBND tỉnh Bình Phước “đòi” lại trạm thu phí nhưng chủ đầu tư là Công ty Đức Thành - Gia Lai không trả. Sau này, Bộ GTVT có ý kiến tiếp tục giao trạm cho chủ đầu tư thu phí trước như nêu trên. Với mức phí cũ, mỗi tháng chủ đầu tư thu được khoảng 2 tỉ đồng, tính từ năm 2010 tới nay thì tổng mức phí thu được cũng đã lên tới hàng trăm tỉ đồng.

200km thêm 5 trạm thu phí

Không chỉ “choáng váng” với mức phí tăng khá cao tại trạm thu phí quốc lộ 14 tỉnh Bình Phước, giới tài xế còn đang xôn xao về việc hàng loạt trạm thu phí sẽ mọc lên trên tuyến đường này từ nay tới cuối năm 2015.

Cụ thể, theo các dự thảo được Bộ Tài chính công bố, sẽ có năm trạm thu phí tiếp tục được “mọc” lên gồm: trạm thu phí tại km1610+800 và km1667+470 đường Hồ Chí Minh (tỉnh Gia Lai), trạm tại km1747 đường Hồ Chí Minh (tỉnh Đắk Lắk), trạm tại km1877+600 và km1945+440 đường Hồ Chí Minh (tỉnh Đắk Nông).

Đây là các trạm thu phí nhằm thu hồi vốn các dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) qua các tỉnh nói trên với tổng chiều dài của các dự án BOT này (theo Bộ GTVT) chỉ khoảng 200km. Bộ Tài chính cho biết mức thu phí đối với năm trạm BOT tại Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đang được lấy ý kiến công khai tại cổng thông tin của bộ.

Nếu không có gì thay đổi thì sắp tới bộ sẽ ban hành thông tư quy định mức phí này vì các dự án BOT mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây nguyên sắp hoàn thành.

Ông T.V.S., chủ một doanh nghiệp vận tải ở Bình Dương, tính toán với mức phí từ 30.000 - 180.000 đồng/lượt xe/trạm trong năm 2015, một xe chở hàng loại 40 feet đi từ Gia Lai về tới Bình Phước (khoảng 200km) phải đóng phí cho sáu trạm với tổng mức phí là 1,08 triệu đồng.

Khi phí lên tới mức cao nhất là 200.000 đồng/xe/trạm vào năm 2016, tổng số phí mà một xe chở hàng loại 40 feet phải trả nếu đi trên đoạn đường này lên tới 1,2 triệu đồng. “Phí cao như vậy ăn hết vào tiền công, doanh nghiệp vận tải chúng tôi chịu không thấu” - ông S. than thở.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn cầu 38 - Đồng Xoài dài 41,3km đã được UBND tỉnh Bình Phước ký hợp đồng với Công ty Đức Thành - Gia Lai thực hiện với bề rộng lên tới 21,6m; dự kiến phải hoàn thành trong năm 2012.

Tuy nhiên, do dự án này và hai dự án mở rộng quốc lộ 14 khác ở Bình Phước bị chậm tiến độ nên Bộ GTVT đã chuyển đơn vị quản lý nhà nước từ UBND tỉnh Bình Phước về Ban quản lý đường Hồ Chí Minh trực thuộc bộ.

Sau đó, Bộ GTVT đã ký lại hợp đồng BOT với Công ty Đức Thành - Gia Lai để tiếp tục thực hiện dự án. Trong đó, với những đoạn công ty đã thi công xong thì giữ nguyên bề rộng 21,6m, với những đoạn chưa xây dựng thì chỉ làm rộng 11m theo đúng tiêu chuẩn xây dựng chung của dự án đường Hồ Chí Minh.

 

Gần 6.000 tỉ đồng đầu tư 5 dự án BOT

Theo Bộ GTVT, dự án đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) dài tới 2.743km. Tổng nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến giai đoạn 2014 - 2020 là 91.462 tỉ đồng, được huy động từ nhiều nguồn: vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn vay ODA và nguồn vốn xã hội hóa.

Trong đó, dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên trùng với quốc lộ 14 qua các tỉnh này. Đoạn từ Tân Cảnh (Kon Tum) tới Chơn Thành (Bình Phước) có năm dự án BOT, tổng chiều dài 207,2km; tổng mức đầu tư 5.890 tỉ đồng.

Đó là chưa kể hai dự án BOT trước đây được giao về cho UBND tỉnh Bình Phước (dự án đoạn Cây Chanh - cầu 38, Đồng Xoài - Chơn Thành) nhưng do thực hiện chậm, thiếu vốn nên sau này Bộ GTVT đã thu hồi để thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

 

Theo Bá Sơn

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên