MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch ngành than: Nóng chuyện nhập khẩu

Theo dự toán nhu cầu đến năm 2020, để đáp ứng có đủ than cho ngành điện, các ngành công nghiệp khác và nhu cầu sử dụng khác thì phải tính tới nguồn nhập khẩu.

Chiều ngày 23/2/2012, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

Dự kiến thăm dò bể than đồng bằng sông Hồng

Theo Quy hoạch, về khai thác than, sẽ phấn đấu sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành đến năm 2012 đạt 45-47 triệu tấn; năm 2015 đạt 55-58 triệu tấn; năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn, trong đó bể than đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) khoảng 0,5-1 triệu tấn than thương phẩm; năm 2025 đạt 66-70 triệu tấn, trong đó bể than ĐBSH khoảng 2 triệu tấn than thương phẩm; năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn, trong đó bể than ĐBSH khoảng trên 10 triệu tấn than thương phẩm.

Đối với bể than ĐBSH, trong kỳ kế hoạch 2012 - 2015 thăm dò một số diện tích chưa than có triển vọng, có điều kiện địa chất-mỏ phù hợp để khai thác thử nghiệm, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành công tác thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện khai thác thuận lợi thuốc khối nâng Khoái Châu - Tiền Hải.

ĐBSH là vựa lúa lớn của cả nước và để đảm bảo an ninh lương thực cũng như bảo vệ môi trường, Bộ Công thương cho biết hiện Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang được giao đánh giá lại chính xác lượng than và đề xuất giải pháp khai thác. 

Theo đại diện Bộ Công thương, khi xây dựng đề án khai thác than, đề xuất các giải pháp công nghệ đảm bảo tiết kiệm đất và hạn chế tối đa ảnh hưởng tới an ninh lương thực của ĐBSH. Thêm vào đó, quy hoạch ngành mới xác định được định hướng tổng thể, giải pháp cụ thể sẽ được xây dựng và phê duyệt đối với các dự án cụ thể.

Từ năm 2015 sẽ phải nhập khẩu than

Về nhập khẩu than, theo quy hoạch nhu cầu than rất lớn. Đến năm 2020, riêng nhu cầu cho điện đã lên tới 77 triệu tấn trong khi sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 29 triệu tấn. Như vậy, sẽ phải nhập tới 48 triệu tấn. Và theo dự toán nhu cầu đến năm 2020, để đáp ứng có đủ than cho ngành điện, các ngành công nghiệp khác và nhu cầu sử dụng khác thì phải tính tới nguồn nhập khẩu. Nếu theo Quy hoạch điện VII và quy hoạch ngành than cùng với những tính toán về cung cầu thì dự kiến phải nhập khẩu than từ 2015. 

Bộ Công thương cho biết, hiện Thủ tướng đang giao Vinacomin làm đầu mối tìm thị trường nhập khẩu than cũng như là tiếp xúc với các đối tác. 

Bên cạnh đó, để có thể cân đối đủ nhu cầu than trong nước, Chính phủ cũng đang chuẩn bị xây dựng cơ chế điều hành xuất nhập khẩu than trong đó có thể đưa ra cơ chế khuyến khích để nhà đầu tư đầu tư ra nước ngoài mang than về trong nước. Đây là vấn đề dài hạn và hiện nay Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế đó và sẽ đệ trình Chính phủ trong thời gian tới.

Ngoài ra, đối với các dự án điện khác như nhà máy điện của tư nhân hoặc của nước ngoài, Chính phủ khuyến khích nhà đầu tư tìm nguồn tự nhập khẩu than để đảm bảo cho các nhà máy điện. Đây cũng là 1 trong các giải pháp nhằm cân bằng nhu cầu trong nước.

Đánh giá về các thị trường nhập khẩu than trên thế giới, lãnh đạo Bộ Công thương cho biế hiện chúng ta đang tập trung vào thị trường chính là Indonesia và Úc. Chia sẻ về nguồn nhập khẩu than, ông Vũ Thành Lâm, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin cũng chia sẻ rằng, nhập than cũng là một vấn đề khó khi phải lựa chọn than ở vùng phù hợp. Theo ông Lâm, than nhập thử nghiệm từ Indonesia vừa qua cũng có một số đặc điểm chưa được phù hợp.

Ông Vũ Thành Lâm cũng khẳng định hiện giờ chưa phải nhập khẩu than và than trong nước sản xuất hiện chưa dùng hết. Ông cũng cho rằng, việc nhập khẩu than còn liên quan đến hệ thống cơ sở hạ tầng và việc xây dụng các cảng nhập khẩu than.

Cần hơn 35.300 tỷ đồng mỗi năm để phát triển ngành than

Dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành than đến năm 2020 khoảng 317.736 tỷ đồng (bình quân 35.304 tỷ đồng/năm). Trong đó, giai đoạn đến năm 2015 nhu cầu vốn khoảng 208.580 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 41.716 tỷ đồng); giai đoạn từ 2016 - 2020 nhu cầu vốn đầu tư khoảng 109.156 tỷ đồng (bình quân 21.831 tỷ đồng/năm).

Theo ông Lâm nguồn vốn huy động có thể được sử dụng nhiều nguồn như vốn tự có, huy động từ trái phiếu cũng như những hỗ trợ từ Chính phủ. Ông cho rằng theo Luật khoáng sản, quy định vốn đối ứng 30% đang là bất cập, chưa rõ ràng và cần phải có hướng dẫn cụ thể. Ông Lâm cũng dẫn chứng như việc đầu tư mỏ than Núi Béo có vốn 5.000 tỷ đồng, nếu phải đối ứng nhiều tiền thì việc thực hiện đầu tư rất khó.

Phương Dung

dungdp

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên