MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp tăng thuế nhập khẩu ô tô tải?

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với các chủng loại xe chuyên dùng phù hợp với năng lực sản xuất trong nước nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, lắp ráp xe chuyên dùng.

Bộ Tài chính vừa ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe ô tô tải thuộc nhóm 87.04 và bộ linh kiện ô tô, khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Theo đó, với thuế nhập khẩu xe tải dưới 5 tấn, Bộ Tài chính tính toán tăng thêm 2%, từ 68% hiện hành lên 70%. Một số loại thuế nhập khẩu với loại trên 5 tấn nhưng không quá 10 tấn có thể tăng từ 50% lên 70%. Loại xe trên 20 tấn nhưng không quá 45 tấn được đề xuất tăng từ 15%-20% hiện tại lên 25-35%.

Với dòng xe chuyên dụng như: xe đông lạnh, xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, xe xi-téc; xe chở ximăng kiểu bồn…, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất lên mức thống nhất là 20% thay vì ngưỡng dao động 15-20% như hiện tại.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với các chủng loại xe chuyên dùng phù hợp với năng lực sản xuất trong nước nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, lắp ráp xe chuyên dùng.

Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất các chủng loại xe chuyên dùng lên thống nhất mức 20% vì theo Biểu thuế hiện hành một số chủng loại xe chuyên dùng đã có mức thuế suất 20%.

Bộ Tài chính cũng cho biết, việc điều chỉnh trên xuất phát từ kiến nghị trước đó của Công ty cổ phần ôtô TMT cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu linh kiện để sản xuất lắp ráp xe ôtô phải chịu nhiều loại chi phí đầu tư và sản xuất, lắp ráp.

Đặc biệt, các chi phí đầu tư dây chuyền sản xuất lắp ráp theo doanh nghiệp nội là tương đối lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Ngoài ra, giá nhập khẩu bộ linh kiện rời rạc cao hơn so với khi nhập ôtô tải hoàn chỉnh do điều kiện khắt khe từ nhà cung cấp.

Qua đó, phía doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu với xe tải nhập nguyên chiếc theo hướng tăng từ 10-18% tùy từng dòng xe.

Đối với linh kiện, phụ tùng ô tô, Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô hầu như không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc khuyến khích nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ những nước có công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc...để sản xuất, lắp ráp xe trong nước. Do vậy, trước mắt Bộ Tài chính đề nghị thực hiện mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN theo quy định hiện hành.

Về lâu dài, sau khi Bộ Công Thương ban hành Danh mục các loại phụ tùng, linh kiện cần khuyến khích đầu tư sản xuất và các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ ngành điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi linh kiện phụ tùng ô tô cho phù hợp với định hướng của Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm tới nay, ôtô tải và ôtô đầu kéo nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng mạnh. Trong 8 tháng, Trung Quốc cũng chính là thị trường lớn nhất cung cấp ôtô nguyên chiếc cho Việt Nam với gần 18.900 chiếc, tăng mạnh 167% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành, lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến trong thời gian qua chủ yếu do Việt Nam đang tăng nhập khẩu dòng xe tải cỡ lớn. Nhu cầu vận tải tăng cao cộng với giá cạnh tranh so với các dòng xe tải của Hàn Quốc hay Nhật Bản là nguyên nhân khiến xe tải Trung Quốc được ưa chuộng.

Còn theo lý giải của Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh nhu cầu vận tải tăng lên, Việt Nam nhập nhiều xe cỡ lớn còn do chính sách kiểm soát chặt trọng tải, điều này vô tình kích cầu cho ngành ô tô nước bạn.

Trước đó, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam từng có đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ về hiện tượng ô tô tải nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt là ô tô tải Trung Quốc đang tràn về Việt Nam với số lượng rất lớn.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên