MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau năm 2020: Ngành bán lẻ rơi vào tay các tập đoàn ngoại?

Nếu không có những thay đổi đột phá nào, nhiều khả năng các tập đoàn ngoại sẽ chiếm lĩnh thị phần ngành bán lẻ hiện đại ở Việt Nam sau năm 2020.

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Quá trình này đem đến cho Việt Nam cả cơ hội và thách thức. Đối với ngành bán lẻ, cuộc chiến giành thị phần đang diễn ra rất quyết liệt.

Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu đang tiếp tục vào Việt Nam

Trước cơ hội tạo ra từ hội nhập, nhiều nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và khu vực đã và đang tiếp tục thâm nhập vào Việt Nam để khai thác thị trường bán lẻ. Một số trong đó thậm chí đã chuẩn bị kỹ để chiếm lĩnh thị trường.

Hầu hết các quốc gia thành viên hưởng lợi từ các FTA đều đã có đại diện bán lẻ của họ với kênh phân phối đang được phát triển mạnh, sẵn sàng để đưa hàng hóa vào Việt Nam.

Các đại diện là thành viên của các hiệp định song phương và đa phương, chẳng hạn như Lottemart (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Big C (Pháp), hay từ khu khu vực như NTUC FairPrice (Singapore), Berli Jucker (Thái Lan) và Parkson (Malaysia).

Hai hệ thống bán lẻ khổng lồ Walmart và 7 – Eleven gần đây cũng đã lên tiếng đầu tư hệ thống siêu thị lớn ở Việt Nam.

Một số thương hiệu bán lẻ ngoại tại thị trường Việt Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong ngành bán lẻ gia tăng đáng kể trong vòng hai năm vừa qua, hiện có khoảng 21 doanh nghiệp.

Nếu thống kê theo đại diện pháp luật là người nước ngoài, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong ngành bán lẻ đã tăng từ 1.680 doanh nghiệp năm 2013 lên 2.289 doanh nghiệp năm 2014, tăng tới 36,25%.

Tính đến cuối tháng 07-2015, có tổng 2.567 doanh nghiệp có đại diện pháp luật là người nước ngoài đang hoạt động kinh doanh trong ngành bán lẻ, tăng 30,84% so với cùng kỳ năm 2014.

Họ đã chuẩn bị kỹ

Hành động gần đây cho thấy các tập đoàn bán lẻ ngoại đang đẩy nhanh mở rộng thị phần ở Việt Nam. Hầu hết đều có chiến lược rõ ràng và lập kế hoạch cho đến 2020.

Chiến lược của họ rất khác nhau từ việc mua bán và sáp nhập (M&A), liên kết hợp tác chiến lược, cho đến trực tiếp phát triển hệ thống chuỗi bán lẻ hiện đại.

Ví dụ điển hình như việc thâu tóm của Tập đoàn Berli Jucker (BJC), Thái Lan. Là người đi sau, để tạo dựng lợi thế cạnh tranh, đầu năm nay tập đoàn này đã tuyên bố mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của METRO gồm 19 trung tâm phân phối, trị giá 655 triệu euro. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng mua lại 49% số cổ phần của Family Mart.

Một ví dụ khác là Lottemart (Hàn Quốc). Kể từ khi thâm nhập vào Việt Nam, tập đoàn này tập trung vào đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng bán lẻ hiện đại.

Sau tám năm, hiện tập đoàn này sở hữu 10 trung tâm thương mại ở TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Nai, và Phan Thiết. Đến 2020, tập đoàn này dự kiến xây dựng được hệ thống khoảng 60 TTTM trên cả nước.

Tương tự, vào Việt Nam từ năm 2009, hiện nay Aeon đã có 03 TTTM (Aeon Mall) ở TPHCM, Hà Nội và Bình Dương. Ngoài ra Aeon còn sở hữu 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart. Mục tiêu của Aeon là mở tới 20 Aeon Mall trước 2020.

Thương hiệu khác như Big C cũng đã khẳng định được tên tuổi tại thị trường Việt Nam. Big C đã rất thành công trong việc chiếm lĩnh thị phần khách hàng trung lưu.

Trong khi đó, có rất ít tín hiệu lạc quan từ khối doanh nghiệp nội ngoại trừ tập đoàn Vingroup, một điểm sáng của thị trường.

Bức tranh sau năm 2020?

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã thực sự bước vào cuộc chơi mới. Doanh nghiệp nội đang phải đối đầu với những tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới và khu vực, có tiềm lực tài chính và hệ thống quản trị tốt. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa có tiềm năng đã bị thâu tóm. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Chỉ còn bốn năm nữa (giai đoạn 2016-2020) cho các nhà bán lẻ nội địa giành thị phần bán lẻ. Sau 2020, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ được định hình và tương đối ổn định. Cuộc chơi sẽ chỉ còn là của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài và số ít nhà bán lẻ nội đã định vị được thương hiệu.

Nguyễn Đức Hùng

Chuyên viên phân tích thị trường bất động sản, bán lẻ

PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên