MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương điều hành tài chính-ngân sách

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cơ cấu ngân sách còn nhiều điểm đáng lo ngại khi chi thường xuyên, lương ngày càng lớn, phần dành cho đầu tư phát triển ngày càng giảm. Nguồn thu ngân sách nội địa tăng chậm, trong khi bội chi có giảm, nhưng chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 15/12/2014, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 814,1 nghìn tỷ đồng, vượt 4% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 551,4 nghìn tỷ  đồng; thu từ dầu thô đạt 98,1 nghìn tỷ đồng; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 160,3 nghìn tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2014 ước tính đạt 968,5 nghìn tỷ đồng, bằng 96,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 158 nghìn tỷ đồng; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 690,5 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ và viện trợ 120 nghìn tỷ đồng.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tài chính, các địa phương trong thực hiện vượt dự toán thu ngân sách, song Thủ tướng nhấn mạnh, khi nhìn vào cơ cấu ngân sách là đáng lo, khi chi thường xuyên, lương ngày càng lớn, phần dành cho đầu tư phát triển ngày càng giảm. Nguồn thu ngân sách nội địa tăng chậm, trong khi bội chi có giảm, nhưng chưa đạt được kế hoạch đề ra.

“Cơ cấu ngân sách hiện nay chưa lành mạnh và chúng ta cần phải nỗ lực nhiều nữa”, Thủ tướng nói.

Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, nhấn mạnh đến tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành tài chính-ngân sách. 

Cụ thể: Tổ chức, điều hành dự toán ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước. Sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2014 để ưu tiên trả nợ, tăng chi đầu tư phát triển...

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế.

Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán,thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế.

Các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, sự nghiệp công. Cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài.

Không mua xe công, trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật, xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe để điều chuyển, xe ô tô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác và xe cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đến hạn thay thế theo quy định.

Không ứng trước dự toán ngân sách Nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt (thiên tai bão lũ, dịch bệnh, nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách...), Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công. Thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công, định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu báo cáo Chính phủ.

Đồng thời bảo đảm nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ Quỹ tích lũy trả nợ.

Không để giá dầu giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách 2015

Theo Minh Khôi

huongtt

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên