Cục Hàng không VN đang sửa đổi nghị định 76 về kinh doanh
hàng không nằm lấp những lỗ hổng trong quản lý hoạt động vận chuyển hiện hành.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân muốn tham gia cung cấp dịch vụ
vận chuyển hàng không nội địa với 1-10 máy bay phải có ít nhất 300 tỷ đồng vốn
pháp định. Mức quy định hiện nay tối thiểu là 200 tỷ đồng.
Đối với các doanh nghiệp có đường bay quốc tế khai thác 1-10
tàu bay, vốn pháp định dự kiến nâng từ mức 500 tỷ đồng hiện nay lên 800 tỷ đồng.
Còn với hãng có quy mô từ 11 máy bay trở lên, vốn bắt buộc là 1.000 tỷ đồng
thay cho mức 800 tỷ đồng.
Việc thay đổi các quy định về vốn này được cơ quan soạn thảo
giải thích là nhằm hạn chế các nhà đầu tư thiếu năng lực, tham gia thị trường một
thời gian đã bị đào thải. Thực tế cho thấy, Hãng giá rẻ Jetstar Pacific dù được
đối tác ngoại rót tiền, vốn điều lệ tăng từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng mà vẫn
rơi vào tình cảnh khó khăn. Vốn mỏng cũng khiến Indochina Airlines chỉ bay chưa
đầy một năm thì dừng hoạt động.
Dự thảo sửa đổi thông tư 76 cũng rút bớt thời hạn hiệu lực của
giấy phép kinh doanh. Theo đó, tối đa 18 tháng, doanh nghiệp không mở đường bay
sẽ bị rút giấy phép. Quy định hiện hành, thời hạn tối đa duy trì giấy phép là
24 tháng không bay mới bị thu hồi.
Vietjet là hãng hàng không đầu tiên được cấp giấy phép, cuối
năm 2009. 3 năm qua, hãng vận chuyển này chưa một lần cất cánh nhưng để hỗ trợ
doanh nghiệp, Cục Hàng không VN vẫn chưa tiến hành thu hồi mà tiếp tục gia hạn.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo sửa đổi thông tư 76 cũng bổ
sung quy định khá ngặt nghèo về chứng chỉ khai thác, bảo dưỡng tàu bay (AOC). Đồng
thời, những rắc rối liên quan đến biểu tượng, thương hiệu... đối với những
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được giải quyết.
Theo Hồng Anh
VnExpress
duclm