MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số liệu nhập siêu bị “thổi phồng”?

Điều gì làm tăng áp lực lên tỉ giá? Thực tế nhập siêu bốn tháng qua chỉ ở mức trên 2 tỉ USD, giảm gần 1/3 so với số liệu đã công bố. Vì sao?

Cuối tháng 4-2015, Tổng cục Thống kê ước tính nhập siêu bốn tháng lên tới 3 tỉ USD. Tuy nhiên, đến nay số liệu cho thấy thực tế nhập siêu bốn tháng qua chỉ ở mức trên 2 tỉ USD, giảm gần 1/3 so với số liệu đã công bố. Vì sao?

Theo nhiều chuyên gia, điều này ít nhiều tăng áp lực lên tỉ giá...

Ước tính cao, thực tế thấp...

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2015 mà Tổng cục Thống kê  chính thức đưa lên trang web ngày 28-4-2015, bốn tháng VN xuất khẩu ước đạt 50,1 tỉ USD, nhập khẩu đạt khoảng 53,1 tỉ USD...

Như vậy, nhập siêu của VN bốn tháng lên đến 3 tỉ USD. Các số liệu của Tổng cục Thống kê đánh giá rất chi tiết, cho thấy nhập khẩu đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước ở nhiều mặt hàng: ôtô đạt 1,8 tỉ USD, tăng 96,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 9,5 tỉ USD, tăng 44,4%...

Theo bà Lê Thị Minh Thủy (vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại dịch vụ Tổng cục Thống kê), tùy từng thời điểm mà nhiều số liệu ước tính khá sát tình hình thực tế.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thời điểm số liệu ước tính và chính thức khá xa nhau.

Cụ thể về số liệu nhập siêu bốn tháng đầu năm, bà Thủy cho biết do xuất khẩu tốt lên, nhập siêu đã giảm so với dự tính.

Về khả năng tìm phương pháp khác để số liệu ước tính chuẩn hơn, bà Thủy nêu đã có tính toán dùng phương pháp chạy theo mô hình, nhưng kết quả không ra được con số tốt hơn, đồng thời khẳng định cách tính toán trên đã được thực hiện nhiều năm và Tổng cục Thống kê minh bạch cách làm.

Tuy nhiên, theo số liệu Tổng cục Hải quan công bố ngày 14-5-2015, thực tế VN chỉ nhập siêu 2,07 tỉ USD, thấp hơn tới gần 1 tỉ USD.

Trả lời về lý do có sự chênh lệch lớn này, bà Lê Thị Minh Thủy, vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại dịch vụ Tổng cục Thống kê, cho biết do nhu cầu nắm bắt số liệu để định hướng điều hành của Chính phủ và các cơ quan chức năng, Tổng cục Thống kê cần tính toán để có số liệu thống kê của tháng 4 ngay từ giữa tháng.

Như tháng 4-2015, ngày 25-4 Chính phủ đã họp thường kỳ, vì vậy khi tính toán chỉ có số liệu của 15 ngày đầu tháng nên thường có vênh nhau giữa số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê và số liệu chính thức sau này.

Cụ thể về số liệu nhập siêu bốn tháng đầu năm, theo bà Thủy, đại diện bốn cơ quan gồm Tổng cục Thống kê, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan và Ngân hàng Nhà nước đã ngồi với nhau xem xét, tính toán. Khi đó, Tổng cục Hải quan đã có số liệu xuất nhập khẩu của 15 ngày đầu tháng.

Để ước tính cả tháng, cán bộ chuyên môn phải đánh giá 15 ngày đã có số liệu cộng với thông tin từ các hiệp hội, doanh nghiệp như dự tính xuất khẩu của doanh nghiệp dầu khí, dự kiến xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực... để ước tính số liệu cho cả tháng.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, không tránh khỏi sai số bởi có hàng ngàn mặt hàng xuất nhập khẩu, không thể tính hết mà chỉ ước tính trên số liệu của khoảng 40 nhóm mặt hàng (chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu).

Trên cơ sở số liệu của 40 nhóm mặt hàng trên sẽ ước ra 100% giá trị xuất nhập khẩu. Ngoài ra, ngay cả số liệu xuất nhập khẩu 15 ngày đầu tháng của Tổng cục Hải quan cũng không thể chắc chắn.

Vì nhiều tờ khai doanh nghiệp đã nộp sẽ xuất hoặc nhập khẩu nhưng họ hoàn toàn có thể hủy hoặc điều chỉnh. Vì vậy theo bà Thủy, số liệu Tổng cục Thống kê công bố có ba dạng: số liệu ước tính, số sơ bộ và số chính thức.

Cẩn trọng vì ảnh hưởng đến tỉ giá...

Khá bất ngờ với số liệu Tổng cục Hải quan công bố ngày 14-5 cho thấy nhập siêu bốn tháng chỉ khoảng 2 tỉ USD, thấp hơn gần 1/3 so với ước tính của TCTK, một chuyên gia tài chính cho rằng cần rất thận trọng với con số thống kê, bởi thực tế thời gian vừa qua tỉ giá đã biến động, đồng USD có xu hướng tăng giá.

Với số liệu nhập siêu bốn tháng lên tới 3 tỉ USD, theo chuyên gia này, đã tác động đến tâm lý không ít người và không loại trừ có ảnh hưởng tới tỉ giá vì số liệu trên cho thấy nhu cầu USD sẽ rất lớn để bù đắp giá trị VN đã nhập siêu.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), cho rằng thông tin nhập siêu quá cao có thể tác động tới tâm lý người dân. Trong khi đó thời gian vừa qua tỉ giá căng thẳng một phần vì lý do tâm lý.

Qua theo dõi, ông Hải nhận định “số liệu ước tính và số liệu thực tế bao giờ cũng lệch” và công nhận khó có thể có con số ước tính chính xác tuyệt đối.

Tuy nhiên, theo ông Hải, Tổng cục Thống kê cần tìm nhiều phương pháp tính, đưa ra những khả năng khác nhau và dựa trên nhiều dữ liệu hơn. Bên cạnh đó, để con số nhập siêu không ảnh hưởng đến tỉ giá, ông Hải đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên công bố thông tin nhiều hơn về dòng vốn vào ra, cán cân thanh toán, tình hình kiều hối...

Bởi ngay cả khi nhập siêu cao nhưng số liệu cho thấy các nguồn cung USD vẫn dồi dào từ du lịch, kiều hối, vốn FDI... thì sẽ khó có cơ hội cho yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến tỉ giá.

Giá USD hạ nhiệt nhanh

Ngày 15-5, lần đầu tiên kể từ khi điều chỉnh tỉ giá, Sở giao dịch Ngân hàng (NH) Nhà nước đã chính thức niêm yết tỉ giá mua - bán trở lại. Động thái này khiến giá mua - bán USD trên thị trường giảm rất mạnh.

Đến 17g ngày 15-5, giá bán USD tại ACB chỉ còn 21.790 đồng/USD, giảm 50 đồng/USD so với giá niêm yết đầu ngày. Trong khi đó tại VietinBank, giá bán USD còn xuống thấp hơn: 21.780 đồng/USD. Các NH lớn khác cũng đồng loạt đưa giá bán USD về 21.790 đồng/USD, giảm 50 đồng/USD so với giá niêm yết chiều 14-5.

Các NH cho biết bắt đầu giảm giá bán USD sau khi Sở giao dịch NH Nhà nước niêm yết giá bán USD ở mức 21.820 đồng/USD, mua vào 21.600 đồng/USD.

“Qua việc niêm yết giá này, với vai trò là người mua bán cuối cùng, NH Nhà nước ngầm khẳng định sẵn sàng bán USD ra can thiệp thị trường khi có biểu hiện căng thẳng. Mức giá bán cũng thấp hơn đến 70 đồng/USD so với mức giá trần. Như vậy các NH không thể nào giữ giá bán USD cho khách hàng ở mức 21.840 đồng/USD như thời điểm đầu ngày” - phó giám đốc một NH lớn nói.

Trước đó vào đầu giờ sáng cùng ngày, hầu hết NH đều tăng giá bán USD lên mức 21.840 đồng/USD, chỉ một số ít NH niêm yết giá bán thấp hơn ở mức 21.830 đồng/USD.

Động thái giảm giá USD nhanh chóng của các NH cũng tác động đến doanh nghiệp. Theo các NH, nếu như mấy ngày trước tỉ giá liên tục tăng khiến các nhà nhập khẩu nôn nóng muốn mua USD nhằm chốt giá, tránh bị thua lỗ thì nay do giá USD giảm, họ có tâm lý muốn nấn ná chờ giá giảm thêm chứ chưa vội mua ngay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số NH cho biết việc giá USD tăng vọt cuối ngày 14-5 có nguyên nhân từ nhu cầu mua số lượng lớn USD của một doanh nghiệp, từ đó đẩy giá USD đi lên. Tuy nhiên tình trạng này chỉ là đột biến chứ không kéo dài.

A.H.

 

Theo CẦM VĂN KÌNH

PV

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên