Ông Hoàng Văn Liễu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp
Hóa chất Việt Nam (Vinachem) kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhà máy DAP Hải
Phòng, cho biết hiện Vinachem đang cố gắng đàm phán với các nhà thầu để trong
tháng 2 này có thể nghiệm thu và bàn giao dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số
1 (Đình Vũ-Hải Phòng).
Theo ông Liễu, sau khi mẻ sản phẩm phân bón DAP đầu tiên được
sản xuất ngày 11/4/2009, đến nay công tác nghiệm thu chạy thử nhà máy đã được
hoàn tất.
Tuy nhiên, việc nghiệm thu và bàn giao nhà máy giữa các nhà
thầu chính (Trung Quốc), các nhà thầu phụ và chủ đầu tư là Vinachem đang gặp rất
nhiều khó khăn.
Trước hết là do dự án triển khai trong thời gian khá dài và
nhà thầu EPC bị lỗ (do giá vật liệu và thiết bị biến động) nên Vinachem phải chờ
các chuyên gia Bộ Xây dựng tính toán lại để bù trượt giá cho nhà thầu. Trong
khi đó, nhà thầu chính lại không có đủ khả năng tài chính để trả phần bù giá
cho các nhà thầu phụ nên nhiều nhà thầu phụ không chịu hoàn thiện nốt các phần
công việc còn lại.
Đặc biệt, công tác nghiệm thu giữa Vinachem và nhà thầu
chính đang vấp phải vướng mắc lớn nhất là do sản phẩm DAP sản xuất ra không đạt
tiêu chuẩn 1846 như thiết kế ban đầu. Hiện cả chủ đầu tư và nhà thầu chính đang
phải chờ hội đồng nghiệm thu đưa ra kết luận cuối cùng để khẳng định trách nhiệm
thuộc về nhà thầu chính hay tại quặng apatit của Việt Nam không đạt
tiêu chuẩn độ ẩm như thiết kế ban đầu.
Vì những khó khăn này mà nhà thầu chính chưa bàn giao mã
khóa công nghệ và vận hành cho Vinachem khiến Nhà máy không thể sản xuất theo
đúng kế hoạch đề ra.
Để nhanh chóng nghiệm thu và nhận bàn giao nhà máy, Vinachem
đang đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ chấp nhận phương án để Tập đoàn nhận
bàn giao Nhà máy trong thời điểm này; sau đó Vinachem sẽ tự hoàn thiện nốt phần
việc còn lại.
Với kinh nghiệm làm việc hơn 20 năm tại mỏ apatit Lào Cai,
ông Liễu cũng cho biết thực tế chất lượng quặng của Việt Nam không ổn định do
các mỏ quặng trài dài hàng chục km. Hơn nữa, chất lượng quặng hiện nay không thể
tốt bằng quặng so với 10 năm trước đây (thời điểm Vinachem gửi tài liệu cho nhà
thầu).
Vì vậy, để có sản phẩm DAP theo đúng thiết kế ban đầu,
Vinachem sẽ phải đầu tư thêm bộ phận lắng lọc và bồn chứa. Trong khi chưa thể đầu
tư bộ phận này, giải pháp phơi quặng trước khi đưa vào sản xuất để giảm bớt độ ẩm
của quặng cũng sẽ giúp Nhà máy cho ra sản phẩm DAP có chất lượng khá tốt.
Nhà máy DAP số 1 Đình Vũ-Hải Phòng được xây dựng trên diện
tích 72ha, với dây chuyền sản xuất hiện đại có mức đầu tư hơn 172,3 triệu USD,
công suất 330 nghìn tấn/năm.
Được khởi công ngày 27/7/2003 và ký hợp đồng EPC từ năm
2005, nhưng do nhiều khó khăn trong thi công nên nhà máy chỉ thực sự được đẩy nhanh tiến độ từ
năm 2007.
Khi đi vào sản xuất, Nhà máy này sẽ bảo đảm 30% nhu cầu DAP
trong nước, đồng thời tiết kiệm được khoảng 45 triệu USD/năm do nhập khẩu phân
bón DAP./.
Theo Nguyễn Kim Anh (Vietnam+)