MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự cố tại dự án nhiệt điện Mông Dương 2

Mông Dương 2 là nhà máy nhiệt điện than theo mô hình BOT đầu tiên tại Việt Nam.

Nguồn tin của VnEconomy cho hay, cuối tháng 3 vừa qua, đã xảy ra một vụ sập kết cấu thép khá nghiêm trọng tại dự án nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 (Quảng Ninh).

Cụ thể, kết cấu thép của khu kho chứa than của nhà máy đã bị sập do gió lốc khi đang trong quá trình lắp đặt dở dang. Chưa có ước tính thiệt hại chi tiết, nhưng chắc chắn vụ sập sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án.

Hiện các bên liên quan chưa có phản hồi chính thức về sự việc và chỉ trả lời chung chung là “các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra”.

Tuy nhiên, trên các diễn đàn của giới xây dựng, sự việc đang được mổ xẻ như một ví dụ về sai sót trong quá trình xây dựng.

Mông Dương 2 là nhà máy nhiệt điện than theo mô hình BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) đầu tiên tại Việt Nam, với công suất 1.240 MW. Chủ đầu tư của dự án này là Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương 2, một pháp nhân do các công ty thành viên của tập đoàn AES (Mỹ), tập đoàn Posco Energy (Hàn Quốc) và tập đoàn CIC (Trung Quốc).

Được xây dựng trên diện tích 297 ha, dự án này dự kiến sẽ sản xuất ra lượng điện 8,1 tỷ kWh/năm, đóng góp 7% vào tổng công suất phát điện của Việt Nam. Sau khi đưa vào hoạt động, dự án có khả năng cung ứng điện phục vụ sinh hoạt cho 2,25 triệu hộ dân. Sau 25 năm hoạt động, dự án sẽ được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam theo quy định trong hợp đồng BOT.

Tổng thầu của dự án là Công ty TNHH Doosan Vina. Hiện chưa rõ trách nhiệm của các bên gồm chủ đầu tư, nhà thầu chính và các nhà thầu phụ trong vụ việc này như thế nào.

Tháng 1/2013 vừa qua, tại đây chủ đầu tư đã tiến hành lắp đặt bao hơi số 2, một hoạt động được đánh giá là “điểm mốc quan trọng quyết định tiến độ lắp đặt lò hơi nói riêng và tiến độ của cả dự án nói chung”. Trước đó, việc lắp đặt bao hơi số 1 đã diễn ra vào ngày 17/8/2012.

Tính đến tháng 1/2013, tiến độ xây dựng dự án nhiệt điện Mông Dương 2 đã đạt xấp xỉ 66% kế hoạch, và có khoảng 225 chuyên gia và 4.000 lao động địa phương đang tham gia làm việc tại công trường.
Theo Anh  Minh

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên