MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa Luật Thuế TTĐB: Phải mạnh tay hơn nữa với thuốc lá

Thêm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá vào năm 2015, thêm 10% nữa vào năm 2018 là phương án đang được Bộ Tài chính nêu ra trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế TTĐB.

Trừ doanh nghiệp, hầu hết các cơ quan, chuyên gia được hỏi đều đồng thuận với dự kiến này, thậm chí, một số còn cho rằng, phải tăng thuế cao hơn nữa mới mong hạn chế được lượng tiêu thụ mặt hàng này.

Việc đánh giá kết quả từ hai lần điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá vào năm 2006 và năm 2008 là một bài học thực tế đáng xem xét khi nghiên cứu điều chỉnh lần này.

Năm 2006, mức thuế này tăng từ 25%, 45%, 65% thành một mức thống nhất 55% và năm 2008: từ 55% tăng lên 65% (tăng 10%, tương tự mức đang được đề xuất cho 2015 và 2018).

Khi điều chỉnh tăng thuế suất, các nhà làm Luật cũng nhằm tới mục tiêu tăng giá bán để hạn chế lượng tiêu thụ thuốc lá. Tuy nhiên, theo Báo cáo sức mua thuốc lá của Bộ Tài chính năm 2013, giá bán lẻ trên danh nghĩa của mặt hàng này tăng trong cả hai lần tăng thuế 2006-2008 nhưng giá thực tế (đã loại bỏ lạm phát) chỉ tăng trong lần tăng thuế 2006 và lại giảm trong lần tăng thuế 2008.

Đại diện của Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế cho rằng, để giảm tiêu dùng thuốc lá, cần thiết phải tăng thuế để giá tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập nhưng nếu chỉ tăng một lần thì tiêu dùng chỉ giảm trong ngắn hạn rồi tăng trở lại do thu nhập tăng liên tục nhờ tăng trưởng kinh tế.

Mức tăng thuế TTĐB 10% năm 2008 không đảm bảo giảm tiêu dùng thuốc lá trong dài hạn, do đó nếu kịch bản tăng thuế thêm 10% vào 2015 và 2018 cũng có thể sẽ có tác động tương tự.

Quan điểm của cơ quan này là thuế phải tăng đều đặn qua các năm để đảm bảo theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong khi mức thuế hiện nay của Việt Nam còn rất thấp, nên tăng lên nữa vừa tăng thu vừa giảm tiêu dùng thuốc lá.

Để đạt được mục tiêu quốc gia là giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 47,4% xuống còn 39% vào năm 2020, vị đại diện này cho rằng, thuế TTĐB phải tăng từ 65% lên 85% vào năm 2015 và lên 105% vào năm 2020.

Đồng quan điểm, bà Kari Hurt- đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Việt Nam cần tập trung vào mục tiêu chính là thu ngân sách và giảm tiêu thụ thuốc lá theo đầu người.

Cả hai mục tiêu này đều có thể đạt được với thuế suất cao hơn và được điều chỉnh thường xuyên hơn so với đề xuất hiện nay của Bộ Tài chính.

Bà Kari Hurt đề xuất lộ trình điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB thuốc lá: 75% (2015), 85% (2016, 2017), 95% (2018, 2019), 115% (2020).

>>>Cân nhắc áp thuế Tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt

Theo H.Vân

cucpth

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên