MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao Việt Nam lại chọn TPP?

Các chuyên gia kinh tế của HSC nhận định, với vị trí địa lý thuận lợi ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ là điểm kết nối và giao thương lý tưởng trong các nước TPP.

Trong báo cáo về Chiến lược đầu tư 2016 vừa được CTCK HSC công bố, câu hỏi “Tại sao Việt Nam chọn TPP” lại một lần nữa được đặt ra.

Theo đó, báo cáo nhận định, với việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), năm 2015 là một bước ngoặt lớn đối với kinh tế Việt Nam. Nhờ TPP, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế toàn cầu.

Đồng thời, TPP sẽ góp phần giúp GDP Việt Nam tăng trưởng mạnh, tạo công ăn việc làm cho xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực…

Theo các chuyên gia kinh tế của HSC, với vị trí địa lý thuận lợi ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ là điểm kết nối và giao thương lý tưởng trong các nước TPP. Do đó, để tận dụng được cơ hội từ TPP và nâng cao lợi thế cạnh tranh, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường sắt và cả đường hàng không.

Trước đó, trong một buổi trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi kết thúc đàm phán TPP, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cho biết, tuy là nền kinh tế phát triển ở trình độ thấp, nhưng Việt Nam lại được chọn là một trong những nước tham gia đàm phán và được các nước đánh giá cao.

Thứ nhất, trong những năm Đổi Mới vừa qua, Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia năng động, nhất quán thực hành đường lối Đổi Mới; nghiêm túc trong việc thực thi cam kết quốc tế; có môi trường chính trị ổn định và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực; là một đối tác quan trọng trong hiện tại và tương lai, có thể giúp tăng ảnh hưởng của TPP.

Thứ hai, Việt Nam có quy mô dân số đáng kể, nền kinh tế phát triển năng động, hứa hẹn trở thành thị trường có sức mua lớn, là điểm đến được doanh nghiệp các nước, nhất là tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hết sức quan tâm.

Thứ ba, việc Việt Nam – một nước đang phát triển ở trình độ thấp - có thể tham gia thành công vào TPP sẽ là bằng chứng thuyết phục về việc Hiệp định TPP thực sự quan tâm đến các nước đang phát triển thông qua các biện pháp đa dạng để hỗ trợ một nước đang phát triển thực thi các tiêu chuẩn cao của Hiệp định này.

“Đây là yếu tố quan trọng, giúp thu hút các nước có trình độ phát triển kinh tế chưa cao cùng tham gia vào TPP để TPP có thể mở rộng trong tương lai” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Ông Khánh cho rằng một nền kinh tế đang phát triển nếu quyết tâm vẫn có thể tham gia vào một hiệp định tiêu chuẩn cao, nếu có sự giúp đỡ của các nước thành viên tham gia hiệp định đó thông qua các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật cũng như các linh hoạt cần thiết cho việc thực thi các cam kết.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên