MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu DNNN TPHCM: Khó xong đúng thời hạn

Nhiều tổng công ty, công ty tại TPHCM hiện nay vẫn lúng túng trong thực hiện dù thời hạn hoàn thành tái cấu trúc vào năm 2015 đã đến gần.

Thực hiện tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu triển khai quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều tổng công ty, công ty tại TPHCM hiện nay vẫn lúng túng trong thực hiện dù thời hạn hoàn thành tái cấu trúc vào năm 2015 đã đến gần.

Thời gian gấp rút

Mới đây, UBND TPHCM gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện đề án tái cấu trúc DNNN và cổ phần hóa (CPH). Báo cáo cho thấy, dù TP quyết liệt chỉ đạo thực hiện tái cấu trúc tại các tổng công ty, công ty nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Phần lớn các đề án tái cơ cấu được phê duyệt cuối năm 2013 nên thời gian thực hiện chỉ còn trong năm 2014 và 2015.

Tiến độ tái cơ cấu khá gấp rút với khối lượng công việc lớn. Công tác tái cơ cấu DNNN thực hiện song song với hoạt động sản xuất-kinh doanh và thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, trong khi bộ máy quản lý tái cơ cấu theo hướng tinh gọn nên gây khó khăn về mặt nhân sự phụ trách thực hiện đề án. Về việc thực hiện thoái vốn, nhiều đơn vị trong danh mục thoái vốn gặp khó khăn trong việc tìm đối tác mua, nhượng lại cổ phần, đặc biệt là các công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCoM, kéo theo tiến độ thoái vốn theo đề án được phê duyệt còn chậm.

Hiện TPHCM có 17 tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con lập đề án tái cơ cấu DNNN. Theo Bộ Tài chính, 2 công ty gồm Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định, Công ty TNHH MTV Đầu tư Chợ Lớn không phải lập đề án tái cơ cấu do thuộc đối tượng thực hiện CPH giai đoạn 2013-2015. Công ty Đầu tư Tài chính TP thuộc mô hình thí điểm đại diện chủ sở hữu nên cần có thời gian nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện cơ cấu. Như vậy, TP đang có 14 tổng công ty, công ty thực hiện xây dựng đề án tái cơ cấu.

Trong đó, 13 DN đã được TP ban hành quyết định phê duyệt đề án. DN còn lại là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV đã thẩm định xong, đang điều chỉnh ngành nghề kinh doanh.

Thủ tục nặng nề

Năm 2013, dù các đơn vị đã từng bước cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh, nghiên cứu chuyển sang các ngành nghề kinh doanh phù hợp theo hướng tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính và thế mạnh của mình, đồng thời thực hiện thủ tục phá sản, giải thể, bán DN, song kết quả còn khiêm tốn. Cụ thể, tính đến ngày 31-3-2013, trong 7 DN phải thực hiện thủ tục giải thể chỉ 1 DN thực hiện hiện xong, 6 DN còn lại đang làm thủ tục chuyển sang phá sản; trong 9 DN thực hiện thủ tục phá sản có 3 DN hoàn thành, 5 DN đang thực hiện, 1 DN chưa nộp hồ sơ; trong khi 5 DN thực hiện bán và 4 DN thực hiện sắp xếp khác vẫn đang loay hoay với các thủ tục pháp lý.

Cùng lúc đó, tình hình thoái vốn đầu tư ngoài ngành khá chậm do các đề án tái cơ cấu phê duyệt cuối năm 2013. Cụ thể, số vốn đã thoái trong năm 2013 tại 14 tổng công ty, công ty có giá trị theo sổ sách 30,19 triệu đồng, giá trị thu được thực tế 30,79 triệu đồng, khoản lãi khi thoái vốn 609.840 đồng. Riêng các khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đã giảm 1,8 tỷ đồng, lĩnh vực quỹ đầu tư giảm 5,2 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm chưa thực hiện thoái vốn.

UBND TPHCM chứng kiến các DN ký cam kết thực hiện CPH đúng thời hạn.

Được biết, trong năm 2014, 2015, kế hoạch của TPHCM sẽ đẩy nhanh thực hiện CPH 30 DNNN, mỗi năm 15 đơn vị. TP cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận để TP được chủ động điều chỉnh DN CPH theo hướng các DN thuộc diện CPH sau năm 2015 có điều kiện sẽ đưa vào đối tượng CPH trong năm 2015, sau đó sẽ báo cáo sau.

Kế hoạch đặt ra là vậy, song để thực hiện thành công không dễ vì còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế, mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến đâu. Tại hội thảo góp ý Luật Đầu tư (sửa đổi) và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức mới đây, một số DNNN cho rằng thoái vốn là nhiệm vụ buộc phải làm. Kết quả thực hiện nhanh hay chậm phụ thuộc vào thủ tục hành chính.

Bất cập hiện nay là trong khi thời gian thực hiện sắp xếp, đổi mới CPH, thoái vốn tại các DNNN rất gấp gáp, nhưng phải trải qua nhiều thủ tục xin phép ở các cơ quan hành chính. Điều này khiến áp lực đè nặng lên DNNN, nguy cơ đánh mất cơ hội vì các đối tác không thể chờ.

15 DN dự kiến CPH năm 2014

Công ty TNHH MTV Vật phẩm văn hóa (thuộc TCT Văn hóa Sài Gòn-TNHH MTV); Công ty TNHH MTV Giám định Rồng Vàng (Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC); Công ty TNHH MTV cấp nước Trung An, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông công chánh, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tân Hòa, Công ty TNHH MTV Tư vấn giao thông công chánh (TCT cấp nước Sài Gòn-TNHH MTV); Công ty TNHH MTV Satra Tiền Giang, TNHH MTV Satra Tây Nam (TCT Thương mại Sài Gòn); Công ty TNHH MTV Xuất khẩu lao động và chuyên gia (UBND TP); Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủ Thiêm, Công ty TNHH MTV Phát triển kinh doanh nhà, Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (TCT Địa ốc Sài Gòn-TNHH MTV); Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch Bến Thành (TCT Bến Thành-TNHH MTV); Công ty TNHH MTV Cảng sông TP (TCT Cơ khí giao thông-vận tải Sài Gòn-TNHH MTV); Công ty TNHH MTV Đóng tàu An Phú (TCT Giao thông-vận tải Sài Gòn-TNHH MTV).


Theo THANH VY

thunm

Sài Gòn đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên