MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Chặng đua nước rút

Gần một năm phải hoàn thành nhiều chỉ tiêu về thoái vốn, cổ phần hóa, trong khi Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm lãnh đạo DN không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa là sức ép lớn đối với các DN Nhà nước (DNNN) trong năm 2015.

Đã sắp xếp gần 180 DNNN

Trong năm qua, các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đã tập trung thực hiện tái cơ cấu 3 mục tiêu, đó là: Tái cơ cấu về tổ chức, sắp xếp lại DN; tái cơ cấu về tài chính và quản trị, lao động. Qua 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN từng bước được cải thiện đáng kể, tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh. Các TĐ, TCT đã tập trung thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn tại các DN đã cổ phần hóa hoạt động trong lĩnh vực không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối.

Hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN gắn với triển khai Đề án tái cơ cấu đạt được kết quả khả quan. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg, năm 2013 là năm đầu tiên các TĐ kinh tế, TCT Nhà nước, DNNN bắt đầu triển khai các giải pháp tái cơ cấu theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; xây dựng chiến lược kinh doanh; tổ chức lại sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại các DN thành viên; tái cơ cấu tài chính, quản trị DN...

Tổng hợp chung tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của 796 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của các DN năm 2013 đã tăng 15% so với năm 2012. Nộp NSNN của các DN đạt 276.063 tỷ đồng, tăng 23% so với thực hiện 2012. 6 tháng năm 2014, theo số liệu báo cáo hợp nhất của 86 TĐ kinh tế, TCT Nhà nước, tổng doanh thu là 885.395 tỷ đồng, bằng 50,5% so với kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế là 79.075 tỷ đồng; đạt 57,1% so với kế hoạch năm 2014; tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước là 131.471 tỷ đồng, đạt 54,1% so với kế hoạch năm.Các con số này đã thể hiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính của DN.

Cơ cấu DNNN đã từng bước được sắp xếp, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển theo lĩnh vực, ngành nghề cũng như xu hướng phát triển kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn. Đến nay, cơ bản các DNNN đã và đang được sắp xếp để Nhà nước chỉ tập trung nắm giữ ở một số lĩnh vực trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, các sản phẩm công ích và các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế mà các thành phần kinh tế khác chưa có khả năng.

Cùng với đó, cơ chế chính sách về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN liên tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng cổ phần hóa, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Trong 11 tháng năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 DN, trong đó cổ phần hóa 115 DN. Trong 10 tháng năm 2014, các TĐ, TCT thoái vốn ước đạt 2.415 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện năm 2013 (965 tỷ đồng)...

Không còn đường lùi

Điểm lại những mặt còn hạn chế, Bộ Tài chính nhận định, việc triển khai xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án tái cơ cấu của một số DN còn chậm. Đến thời điểm cuối năm 2014, có 90/108 TĐ, TCT Nhà nước đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu, nghĩa là vẫn còn 18 đơn vị chưa được phê duyệt Đề án.

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, TĐ kinh tế, TCT Nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai Đề án tái cơ cấu cũng như phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn. Một số đơn vị chưa kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng dẫn đến chậm tiến độ.

Việc chần chừ trong chỉ đạo điều hành tái cơ cấu của một số lãnh đạo DNNN gây hệ quả chậm tiến độ đã thấy rõ. Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, tái cơ cấu DNNN không phải chỉ tập trung về lượng là phải cổ phần hóa bao nhiêu DN mà “vấn đề quan trọng là làm thế nào nâng cao được hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN, nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh tại DNNN”.

Vị chuyên gia này cho rằng, cần phải “cởi trói” cho DNNN, tăng tự chủ kinh doanh và họ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về kết quả kinh doanh của mình, hạn chế sự can thiệp, quan tâm quá nhiều của các ban, ngành để “khi có sự việc rủi ro xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm”. Theo đó, cần tăng tính minh bạch, công khai hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN, tách bạch cơ quan quản lý Nhà nước với cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu tại DNNN.

Tái cơ cấu DNNN, theo một số chuyên gia kinh tế tâm huyết về vấn đề này, cần  phải áp đặt đầy đủ nguyên tắc, quy luật thị trường đối với DNNN; phải đổi mới, áp dụng khung quản trị kinh doanh, quản trị hiện đại theo thông lệ của thị trường và thông lệ của quốc tế đối với DNNN.

Thông báo kết luận Hội nghị giao ban về tái cơ cấu DNNN (ngày 9-1-2015), Chính phủ một lần nữa yêu cầu xử lý nghiêm lãnh đạo DN không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Đồng thời phải có lộ trình phù hợp để thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với những khoản đầu tư dở dang nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Không chỉ đạo chung chung, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu, đối với DN đã công bố giá trị DN, trong quý I-2015 phải phê duyệt xong phương án cổ phần hóa khi đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa; tổ chức ngay việc xác định giá trị DN, phấn đấu trong quý II-2015 tất cả đều công bố được giá trị DN và quý III-2015 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa…

Những lo lắng để hoàn thành kế hoạch “chốt” vào thời điểm ngày 31-12-2015 là có cơ sở. Bởi kết quả sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn diễn ra còn chậm so với yêu cầu đặt ra, mặc dù kết quả thực hiện năm 2014 có sự chuyển biến mạnh so với các năm gần đây. Trong khi đó, đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý cũng như cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính.

Tuy nhiên với quyết tâm lớn từ phía Chính phủ cho thấy Chính phủ sẽ liên tục cập nhật, tháo gỡ mọi khó khăn từ phía DN để sớm hoàn tất kế hoạch đã định. Để đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu, Bộ Tài chính xác định sẽ thực hiện nhiều “biện pháp mạnh” như: Tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý; chuyển các DN không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh độc lập thành các đơn vị phụ thuộc của TĐ, TCT nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Đồng thời tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị, nâng cao năng lực quản trị DNNN theo hướng phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu DN nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam:

Thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn theo Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 7-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2014 TKV đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các công ty thành viên 2 cấp thành công ty 1 cấp, sắp xếp chuyển đổi 10 công ty con hạch toán độc lập thành chi nhánh hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn TKV; sắp xếp tổ chức, xây dựng định biên lao động cho các Ban chuyên môn nghiệp vụ của Tập đoàn (giảm từ 29 xuống 23 Ban); các đơn vị sản xuất than tối đa 15 phòng.

Về cổ phần hóa (CPH), có 3 DN đã hoàn thành việc CPH chuyển sang công ty cổ phần, còn 5 DN đã xác định xong giá trị DN. Riêng 3 Tổng công ty: Điện lực, Khoáng sản và Việt Bắc đã báo cáo Bộ Công Thương xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay phương án CPH Tổng công ty Khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2014 TKV cũng đã thực hiện thoái xong vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính (đã bán xong toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty Tài chính TKV ) thu về 1.600 tỷ đồng, bảo toàn vốn và có thặng dư.

Năm 2015, chúng tôi sẽ tiếp tục sắp xếp các đơn vị làm ăn kém hiệu quả; đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị theo hướng tiên tiến, hiện đại, gọn nhẹ, hiệu quả nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, đồng thời xây dựng phương án chuẩn bị CPH Công ty mẹ – Tập đoàn TKVgiai đoạn sau năm 2015.

Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

Năm 2014, EVN đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP bất động sản Land Sài Gòn, Công ty CP bất động sản Điện lực miền Trung và một phần vốn tại Công ty Tài chính CP Điện lực với tổng số tiền là 691 tỷ đồng, đạt 40,8% số vốn phải thoái giảm. EVN cũng đã hoàn thành Đề án cổ phần hóa các tổng công ty phát điện trình Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3.

Năm 2015 là năm cuối thực hiện Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015, EVN chọn chủ đề là nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động. Theo đó, Tập đoàn đặt mục tiêu hoàn thành việc thoái vốn, giảm vốn tại các Công ty CP có hoạt động không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn như: Ngân hàng TMCP An Bình, Công ty Tài chính CP điện lực, Công ty CP Chứng khoán An Bình, Công ty Bảo hiểm toàn cầu. EVN sẽ tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy, biên chế gắn với yêu cầu xóa bỏ sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nội bộ và thủ tục hành chính liên quan tới dịch vụ khách hàng.

Tập đoàn cũng nghiên cứu đề án mô hình tổ chức và cơ chế tài chính của EVN trong giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng phương án tách bạch về tổ chức và hạch toán chi phí của bộ phận phân phối và bán lẻ điện thuộc các Tổng công ty Điện lực.

H.Anh - P.Thu (ghi)

>>>Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - bài toán lớn năm 2015

Theo Trần Thắng

PV

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên