MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu nền kinh tế với 7 nhóm ngành ưu tiên

Luyện kim, hóa dầu, đóng tàu, điện tử, CN xanh, logistics và du lịch sẽ là những ngành được ưu tiên phát triển trong trung và dài hạn, theo đề án Tái cơ cấu nền kinh tế vừa được Bộ KH & ĐT hoàn thành.

Theo đề án vừa được Bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ có 2 loại ngành được ưu tiên phát triển khi tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế là loại đang có lợi thế cạnh tranh và loại có thể xây dựng, bổ sung lợi thế cho Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 cũng như tương lai xa hơn

7 nhóm ngành được khuyến nghị được ưu tiên trong trung và dài hạn, bao gồm: luyện kim, hóa dầu, đóng tàu - phương tiện vận tải, điện tử, công nghiệp xanh - năng lượng tái tạo, dịch vụ giao nhận vận tải (logistics) và du lịch.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, việc phát triển các ngành này sẽ góp phần bổ sung lợi thế cho các ngành đang có lợi thế hiện tại, đồng thời thay thế một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da dày, chế biến gỗ - lâm sản… Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng lưu ý cần tiếp tục hiện đại hóa các ngành như bưu chính - viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin.

Đối với các ngành có lợi thế cạnh tranh hiện tại (gồm cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) đề án cho rằng nên tiếp tục ưu tiên theo các tiêu chí như hiệu quả, tỷ trọng giá trị gia tăng cao, độ lan tỏa, tạo nhiều công ăn việc làm cũng như chiếm tỷ trọng lớn trong GDP cũng như xuất khẩu.

Việc lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, theo đó sẽ góp phần cơ cấu lại các khu vực của nền kinh tế. Đến năm 2020, dự kiến tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế tối đa của nông nghiệp sẽ chỉ đạt 15% trong khi công nghiệp và dịch vụ sẽ chiếm tối thiểu 85% (hiện lần lượt là hơn 20% và gần 80%). Ngoài ra, các sản phẩm và ứng dụng công nghệ cao cũng phải chiếm khoảng 45% GDP.

Để thực hiện các mục tiêu này, đề án tài cơ cấu đề ra một loạt các giải pháp, mà trước hết là tập trung vào việc rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch, công khai các quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, làng nghề… Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề xuất việc đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước (đưa vốn Nhà nước, bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ, đầu tư ngoài ngân sách vào khuôn khổ chi tiêu trung hạn), tái cơ cấu để nâng cao chất lượng doanh nghiệp quốc doanh.

Để tạo điều kiện cho quá trình tái cơ cấu, cơ quan soạn thảo tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phải hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tải khóa, đảm bảo ổn định vĩ mô. Chính sách tiền tệ cần theo đuổi mục tiêu lạm phát 4-6% một năm trong trung và dài hạn, thực hiện đầy đủ, nhất quán đề án tái cơ cấu thị trường tài chính - chứng khoán… Cùng với đó, tài khóa sẽ được điều hành chủ động theo hướng “nghịch chu kỳ” (giảm chi tiêu công khi kinh tế tăng trưởng mạnh), phân đầu giảm bội chi trung hạn xuống mức 3-3,5% một năm. Đồng thời, nhằm “dưỡng sức” cho doanh nghiệp, Chính phủ sẽ giảm dần mức thu thuế thu nhập xuống mức 22-23% vào năm 2015 và 20% trước năm 2020.

Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước cũng được để án nhắc tới nhưng một giải pháp. Theo đó, vai trò của doanh nghiệp, nhà đầu tư mang tính quyết định trong đổi mới, chuyển dịch từng bước. Tuy nhiên, ở các khâu tăng tốc, đột phá, Việt Nam vẫn xác định Nhà nước có vai trò “quan trọng hơn nhiều”.

Cụ thể, Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ bằng cách xác định ưu tiên phát triển, trực tiếp tham gia đầu tư dưới hình thức thích hợp, trực tiếp xây dựng cơ sở hạ tầng cứng và mềm, dẫn dắt, định hướng và lôi kéo nhà đầu tư cũng như các bên liên quan để thực hiện tăng tốc, đột phá phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên.

Ngoài ra, đề án của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề cập đến các giải pháp khác như thực hiện chương trình quốc gia về phát triển, nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh, nâng cao hiệu lực quản lý các dự án FDI, hoàn thiện các hành lang pháp lý đối với phát triển kinh tế, doanh nghiệp…

Cuối cùng, quá trình tái cơ cấu kinh tế được cơ quan soạn thảo đúc kết bằng cụm từ “vừa tuần tự tiệm tiến, vừa tăng tốc đột phá”. Theo đó việc “tuần tự tiệm tiến” sẽ được áp dụng đối với các ngành mà công nghệ ít thay đổi. Trong khi đó, đối với các ngành công nghệ thay đổi nhanh, cần chọn, áp dụng các công nghệ hiện đai nhất nhằm “tăng tốc đột phá”, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức bật đối với nền kinh tế.

Theo Nhật Minh

VnExress

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên