MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu nông nghiệp - đơn vị sản xuất ở cơ sở phải thay đổi

Ngày 17/1, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn.

Tham dự hội thảo có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.

Quy hoạch nền nông nghiệp theo hướng thị trường mở

Theo GS Trần Đức Viên, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, những năm gần đây, khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu thì ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng đứng trước nhiều thách thức. Tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua vẫn chủ yếu theo hướng tăng diện tích, tăng vụ và thâm dụng các yếu tố đầu vào như: Lao động, vốn, vật tư và các nguồn lực tự nhiên khác. Các động lực cho sự tăng trưởng nông nghiệp dường như bị chững lại.

“Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đang rất cần những động lực mới để tăng trưởng”, GS Trần Đức Viên nhấn mạnh.

Theo GS Đỗ Kim Chung (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), năm 2014, lần đầu tiên xuất khẩu nông nghiệp đạt trên 30 tỷ USD. Tuy nhiên, tại sao nông nghiệp Việt Nam vẫn không tăng trưởng trong khi các nước xung quanh tiến lên? Theo GS Chung trong những năm tới, việc tái cơ cấu nền nông nghiệp cần hướng tới thực hiện quy hoạch theo hướng thị trường mở. Cần quy hoạch phát triển nông nghiệp cả trong mục tiêu trung và dài hạn từ 50-100 năm, để có chiến lược bảo tồn, sử dụng đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị. Tạo điều kiện cho người sử dụng đất quyết định phương hướng sử dụng từng loại đất theo tín hiệu thị trường hơn là cố định phương thức sử dụng. Khi giá lúa giảm, nông dân có thể chuyển sang làm hoa, cây cảnh rau màu, các nông sản có giá trị khác... Làm như thế sẽ vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tăng khả năng thích ứng với thị trường của nông dân.

Ở một góc nhìn khác, GS.TS Trần Đức Viên – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng việc tái cơ cấu nông nghiệp cần hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn trí thức. Theo GS Viên, để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp cần làm ngay việc tái cơ cấu trong giáo dục và đào tạo nông nghiệp, tái cơ cấu quản lý khoa học công nghệ, tái cơ cấu trong chính sách và thể chế quản lý phát triển nông nghiệp và nông thôn.

GS Trần Đức Viên cũng khẳng định, tái cơ cấu nông nghiệp, không phải chỉ là vấn đề cây giống, vật nuôi mà phải là vấn đề tổ chức lại sản xuất cho nông dân. Trong đó, kinh tế hợp tác phải là cốt lõi.

"Kinh tế hợp tác nhưng không phải tất cả đều là cánh đồng mẫu lớn, mà là tăng tính hợp tác trong sản xuất. Tiếp theo là đẩy mạnh khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Chỉ khi làm chủ được khoa học công nghệ thì nông nghiệp mới có đột phá”, GS Trần Đức Viên khẳng định.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp

TS Đào Thế Anh – Viện cây lương thực-cây thực phẩm, khuyến nghị cần thay đổi chính sách tái cơ cấu chuỗi giá trị lúa gạo, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Theo TS Anh, tiềm năng của khu vực xay xát-chế biến cần được phát triển, hiện đại hóa để tích tụ cả nguyên liệu và thành phẩm, hình thành các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến hiện đại, có thị trường đầu ra ổn định, đảm bảo chất lượng thành phẩm. Có thể coi đây là lựa chọn chiến lược quyết định tương lai, vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân: Doanh nghiệp Việt Nam cần ưu tiên dùng kết quả nghiên cứu của Việt Nam

"Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là đơn vị chủ trì cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng tôi mong muốn có một cấu phần của chương trình này là doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên dùng kết quả nghiên cứu của Việt Nam. Hiện nay có nhiều kết quả nghiên cứu tốt nhưng doanh nghiệp trong nước không thích dùng. Tôi mong những sản phẩm của các Viện nghiên cứu Việt Nam phải được ưu tiên sử dụng, doanh nghiệp dùng giống Việt Nam, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, máy móc Việt Nam trên đồng ruộng của mình".

“Cả nông dân và doanh nghiệp cần được tăng cường năng lực về kỹ năng kinh doanh nông sản và quản lý chất lượng, kỹ năng quản lý tổ chức nông dân và hợp tác để có thể phát triển các chuỗi giá trị chất lượng. Đây là chính sách cần ưu tiên hàng đầu để có được lực lượng nông dân tiến lên chuyên nghiệp sản xuất nông sản chất lượng cao”, TS Anh đề xuất.

PGS. TS Chu Tiến Quang – Viện Kinh tế và quản lý Trung ương, cho rằng việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo ông Quang, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 cần được bắt đầu dựa trên cơ sở rà soát lại cơ cấu cây trồng vật nuôi trên từng vùng sản xuất, trong đó xác định rõ quy mô, diện tích cây trồng vật nuôi có năng lực cạnh tranh sẽ tiếp tục được duy trì, quy mô diện tích các loại cây trồng  không có năng lực cạnh tranh sẽ phải thay đổi bằng cây trồng, vật nuôi có năng lực cạnh tranh hơn. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần dựa trên cơ sở quy hoạch lại quỹ đất nông nghiệp cả nước ở từng vùng vào phát triển hàng hóa lớn, tập trung theo từng sản phẩm chủ lực, trước mắt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu như: Lúa gạo, cà phê, cao su, chè, tiêu, tôm, cá…

Các sản phẩm ưu việt của ngành Nông nghiệp thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của khoa học-công nghệ.

“Cần chú trọng việc chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân từ truyền thống, nhỏ lẻ sang hàng hóa với quy mô hợp lý trên mỗi hộ gia đình và toàn vùng thông qua hình thành các tổ chức kinh tế của nông dân như tổ nhóm hợp tác xã, hiệp hội sản xuất và các mối liên kết giữa hộ nông dân và các tổ chức sản xuất kinh doanh… Bên cạnh đó, có chính sách bảo hiểm rủi ro cho nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp nhằm giúp người sản xuất nông nghiệp khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020", ông Quang đề nghị.

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, để tái cơ cấu nền nông nghiệp, yếu tố cơ bản là đơn vị sản xuất ở cơ sở phải thay đổi. Thực tế lâu nay hộ là đơn vị sản xuất ở cơ sở. Với khoảng 10 triệu hộ sản xuất ở cơ sở, trong quá trình hội nhập quốc tế, nếu không có tổ chức thì sẽ rối loạn không thể xuất khẩu cũng như cạnh tranh được với hàng hóa bên ngoài. Chính vì vậy việc tái cơ cấu nền nông nghiệp phải bắt đầu từ tái cơ cấu đơn vị sản xuất cơ bản của Việt Nam là hợp tác xã, hoặc liên kết giữa hộ và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh việc tái cơ cấu nền nông nghiệp phải bắt đầu từ việc tái cơ cấu hệ thống thu mua sản phẩm nông nghiệp của nông dân, tái cơ cấu thị trường cung cấp đầu vào và thu mua sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, phải xác định được những sản phẩm quốc gia, thiết lập mối quan hệ tốt giữa khoa học với nông dân để đưa những kết quả khoa học đến với nông dân một cách hiệu quả nhất cũng như phải hình thành thị trường bảo hiểm nông nghiệp, tái cơ cấu chi của Nhà nước cho nông nghiệp…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Hiện nay, Việt Nam có 12 cây con năng suất sinh học cao nhất thế giới từ lúa, tiêu, điều, trà, cà phê, cá tra…. Tuy nhiên, nông dân vẫn nghèo, vì từng hộ nông dân không có khả năng đàm phán về giá vật tư đầu vào và giá bán ra.  Đầu vào tăng giá, đầu ra ép giá chính là gọng kìm ép chặt thu nhập của người nông dân. Chính vì vậy phải tái cơ cấu thị trường cung cấp đầu vào và thu mua sản phẩm.

>>>Nhìn lại 1 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

Theo Từ Lương

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên